Hãy tự hào khi có một đứa con bám mẹ!
Hãy tự hào khi có một đứa con bám mẹ!
Bám mẹ, bám bố, bám ông, bám bà – bất cứ ai là người chăm sóc thường xuyên của một đứa trẻ cũng phải chịu “nỗi kinh hoàng” dưới hình thức một cái đuôi này.
Nhìn Lạc Bia tha thẩn chơi với nhau trong khi mẹ đang nấu nướng trong bếp, hẳn bạn sẽ nói tôi thật may mắn vì có hai em bé không bám mẹ.
Sự thật là, như bất kỳ bà mẹ bỉm sữa nào khác, tôi cũng từng có những lúc phải để con òa khóc như trời sắp sập bên ngoài cánh cửa phòng vệ sinh chỉ để có 1 phút riêng tư khi “giải quyết nhu cầu”. Cũng có những ngày, đi làm về là tôi được tặng ngay một bài thể dục: vừa nấu cơm vừa bế quả tạ hơn 10 kg.
Có những giai đoạn mẹ chỉ đặt xuống là con khóc, chẳng làm được gì ngoài việc kè kè bên “cái đuôi” mít ướt. Việc nhà thì cứ chất đống lại. Còn thời gian chăm sóc bản thân ư? Khi con bám mẹ thì nó là một loại xa xỉ phẩm.
Điều tệ nhất là một câu hỏi cứ vang vọng từ bên trong:
Hay là tại mình? Mình làm sai gì rồi. Có phải con có vấn đề gì về tâm lý không?
Bạn đừng lo, vì nghiên cứu đã chỉ ra điều ngược lại. Hiện tượng bám mẹ có thể là biểu hiện hết sức bình thường trong quá trình phát triển.
Bám mẹ – bản năng sinh tồn có từ lúc lọt lòng
Trong vòng một năm đầu đời, một em bé sẽ luôn tỏ ra gắn bó với người chăm sóc. Đây là một bản năng để sinh tồn, giúp bé luôn được an toàn. Khi đói, buồn ngủ hay khó chịu, bé sẽ khóc để thông báo nhu cầu tới bố mẹ. Khi đó, nếu được bố mẹ vỗ về, bé sẽ hiểu rằng nhu cầu của mình đã được lắng nghe và đáp ứng. Cứ như vậy, bé sẽ coi bố mẹ là “vùng an toàn” vô cùng đáng tin cậy. Đây chính là cơ sở hình thành nên sự tin tưởng và khả năng đồng cảm ở mỗi đứa trẻ, là nền tảng để trẻ phát triển những mối quan hệ yêu thương và lành mạnh sau này.
Hãy tự hào khi có một đứa con bám mẹ!
Dù hiểu được rằng hiện tượng bám mẹ là bản năng, nhưng vẫn có những lúc vẫn phải phát điên và tự hỏi: Con như vậy có phải là bám mẹ quá không? Nếu cứ liên tục đáp ứng những nhu cầu của con, thì liệu có khiến con mất đi khả năng độc lập?
Sự thật là ngược lại.
Sự gắn kết giữa trẻ và người chăm sóc sẽ tạo cho trẻ cảm giác an toàn và luôn được yêu thương. Nhờ thế, con có thể hoàn toàn yên tâm để tập trung vào các hoạt động chơi, khám phá, tưởng tượng, vận động, chú ý, v.v. Nghe thì có vẻ ngược đời, nhưng khi những nhu cầu được bố mẹ lắng nghe và đáp ứng thì trẻ sẽ trở nên độc lập và chủ động hơn.
Con gắn bó với bố mẹ không có nghĩa là con không có tính độc lập. Ngược lại, mối liên hệ bền chặt với bố mẹ là động lực để trẻ dễ dàng phát triển độc lập hơn. Vậy nên, nếu hôm nay em bé của bạn “một bước không đi, một li không rời”, thậm chí là khi bạn cần… đi vệ sinh, thì thay vì than thở, hãy tự hào rằng đối với con, bạn chính là một thiên đường êm ấm.
Thay vì khó chịu vì con bám mẹ, hãy tự hào rằng bạn là cả một thiên đường êm ấm đối với con.
Những đứa trẻ không được đáp ứng nhu cầu sẽ có cảm giác mất an toàn và thiếu tin tưởng vào bố mẹ. Khi sợ hãi, chúng sẽ ít bám dính hơn. Nhưng đó chưa chắc đã là một dấu hiệu tốt. Những đứa trẻ đó sẽ cảm thấy lo lắng nhiều hơn và gặp khó khắn trong việc điều chỉnh cảm xúc. Chúng có thể thực hiện những hành vi sai lệch để được bố mẹ chú ý tới.
Làm gì để không “phát điên” khi con bám mẹ?
Dù biết bám mẹ không phải là xấu, nhưng hơn ai hết, tôi hiểu rằng bạn vẫn cần một giải pháp tình thế để không bốc hỏa. Dưới đây là giải pháp của một người mẹ tỉnh thức:
1. Quay về với chính mình:
Luôn luôn, việc đầu tiên là tạm dừng phản ứng. Hít một hơi thật sâu và thở ra thật chậm. Quan sát xem bạn đang cảm thấy thế nào trước em bé đang dính như keo, nước mắt lã chã đòi được bế. Bạn mệt mỏi? Bạn tức giận? Bạn tuyệt vọng? Gì cũng được, hãy quan sát và gọi tên những gì bạn đang cảm thấy.
Buông bỏ những mục tiêu. Khi đã bình tĩnh hơn, hãy nhận định mục tiêu của bạn trong tình huống này là gì. Mục tiêu của bạn là con tự chơi để bạn nấu xong bữa cơm tối trước khi chồng về? Hãy tạm thời buông bỏ mục tiêu đó, bởi điều duy nhất bạn có thể làm được lúc này là điều tiết cảm xúc, suy nghĩ của chính mình.
Cho phép mình được nghỉ ngơi. Con khóc một chút cũng không sao, bạn hãy kiên quyết để những người thân khác trong gia đình trông con giúp. Dù yêu con đến đâu, bạn vẫn cần những lúc dành thời gian cho riêng mình. Hãy tự sạc điện để luôn là một người mẹ tích cực, giàu năng lượng những lúc bên con.
2. Trọn vẹn bên con khi có thể
Bất cứ khi nào ở bên con, hãy dành trọn vẹn tâm trí để kết nối với con. Cùng con đọc sách, ôm ấp hay chạy nhảy bên ngoài,… Hãy cùng con làm những việc mà con thích, tập trung trọn vẹn vào con và tận hưởng khoảng thời gian ý nghĩa này. Có như vậy con mới hiểu được rằng với mẹ, mình vẫn là một người quan trọng, rằng con vẫn được mẹ yêu thương và quan tâm. Đó chính là những lúc sạc năng lượng để con có thể chơi độc lập vào những lúc khác trong ngày.
3. Dạy con chờ đợi
Với một đứa trẻ thì việc chờ đợi thật chẳng dễ dàng, đặc biệt là khi con đang muốn được chú ý mà bố mẹ lại bận việc khác. Chờ đợi cũng là một kỹ năng cần học. Hãy coi việc con bám mẹ là cơ hội để dạy con tính kiên nhẫn và kỹ năng kiểm soát những thôi thúc bên trong. Hãy nói với con rằng bạn biết chờ đợi là một cảm giác thật khó chịu, nhưng con là một em bé rất cừ và con có thể vượt qua cảm giác đó, từng chút một.
4. Luyện cho con cách chơi độc lập
Nếu con không chịu chơi nếu không có mẹ ở bên, hãy thử cách này. Đầu tiên bạn ngồi cạnh, chơi cùng con khoảng 15 phút. Sau đó, bạn cố ý giảm phần chủ động xuống và quan sát con nhiều hơn. Cứ tăng dần như vậy cho đến khi bé cảm thấy thoải mái với việc ngồi một mình.
Một cách khác là sử dụng đồng hồ hẹn giờ. Khi bạn cần rời đi, hãy đưa đồng hồ cho bé và nói: “Con vặn đồng hồ 5 phút giúp mẹ nhé. Bây giờ mẹ đi cho quần áo vào máy giặt. Khi nào đồng hồ kêu thì mẹ sẽ quay về với con.”
Vẫn là nguyên tắc dần dần, từng chút một. Hãy bắt đầu với khoảng thời gian ngắn, chẳng hạn 1 phút, rồi tăng dần lên 2 phút, 3 phút. Và chẳng mấy chốc, em bé của bạn sẽ học cách tự chơi vui vẻ tới 15 phút mà không cần tới mẹ!
Vài lời cuối
Cảm giác có một “cái đuôi” mè nheo và mít ướt khi công việc đang bộn bề thật chẳng dễ dàng gì! Mỗi khi sắp muốn bỏ trốn, bạn hãy tự nhắc mình rằng sự gắn bó giữa bố mẹ và con cái là hoàn toàn tự nhiên và có lợi đối với trẻ. Sẽ mất tới hàng tháng, hàng năm để con biết mình được yêu thương, quan tâm đủ nhiều tới mức có thể cảm thấy an toàn khi không ở bên bố mẹ. Hãy ôm ấp chú chim non đủ chặt để một ngày nó tự tin sải cánh bay!
Yêu thương,
Nguồn: https://mindfullyt.com/