Khủng hoảng định dạng cá nhân ở những người mẹ – Phần 2: Tìm lại chính mình
Khủng hoảng định dạng cá nhân ở những người mẹ – Phần 2: Tìm lại chính mình
Sau khi đăng bài “Khủng hoảng định dạng cá nhân ở những người mẹ”, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Tôi lục lọi trong trí nhớ, so sánh, suy ngẫm, để rồi nhận ra rằng: Cho tới giờ, tôi vẫn chưa tìm lại được mình của ngày xưa. Và tôi sẽ không bao giờ tìm được.
Hãy đối mặt với thực tế này: bạn của ngày xưa, những gì mà bạn nghĩ bạn là, không còn nữa. Sau khủng hoảng định dạng cá nhân, bạn không quay về với con người trước khi khủng hoảng. Bạn trở thành một con người khác, và rất có thể, là một phiên bản cao cấp hơn.
Cái tôi, chân ngã và khủng hoảng định dạng cá nhân
Trước khi đi tìm định nghĩa về mình, tôi muốn bạn hiểu sự tồn tại của hai thứ tách biệt: cái tôi (bản ngã) và chân ngã.
Cái tôi là ý niệm mà bạn có về bản thân, trong đó, bạn tách mình khỏi phần còn lại của thế giới. Bạn cho rằng mình là một cá thể riêng biệt. Bạn đưa ra những định nghĩa chắc nịch nhưng rất bề nổi về mình. Cái tôi là những định nghĩa đầy bám chấp, mà khi mọi việc xảy ra không theo định nghĩa đó, bạn lập tức suy sụp vì không còn biết bám víu vào đâu.
Chẳng hạn, lúc bắt đầu có bầu, bạn cứ nghĩ mình sẽ là một người mẹ thật phong cách. Nhưng khi em bé sinh ra, mọi thứ đều rối tung. Việc chăm sóc cho một “đại boss” khiến bạn quay cuồng, tóc tai rối bù, chẳng còn thời gian ăn miếng cơm, huống chi là chăm chút cho vẻ bề ngoài. Và bạn nhìn mình trong gương, tự nhủ: “Toi rồi, ai đây? Mình không còn biết mình là ai nữa!”
Chân ngã mới là thứ tồn tại vĩnh cửu. Chân ngã là phần thông thái bên trong mỗi người, và nó không thay đổi khi thời gian trôi qua, hoàn cảnh thay đổi. Nó là phần nhân văn, cao đẹp, thiện lương và nhạy cảm ở mỗi người.
Hiểu được điều này, hẳn bạn đã hiểu rằng: khủng hoảng định dạng cá nhân không có nghĩa là bạn đang đánh mất chính mình. Chỉ là, khi cuộc sống của bạn thay đổi sau một mốc quan trọng (làm mẹ), cái tôi cũ của bạn sẽ sụp đổ. Nhưng chân ngã thì vẫn còn đó, bất cứ khi nào bạn đủ tĩnh tâm để quay về bên trong.
Có lẽ tới đây, bạn cũng cảm thấy vững tin hơn một chút (dù mơ hồ) rằng rồi mình sẽ tìm cách vượt qua được khủng hoảng. Tiếp theo, hãy cùng đi qua những cách đã giúp tôi kết nối với chính mình và vượt qua khủng hoảng định dạng cá nhân sau khi làm mẹ.
Tôi đã vượt qua khủng hoảng định dạng cá nhân như thế nào?
1. Vượt qua cảm giác tội lỗi của người mẹ
Người Việt không thường hay nhắc tới, nhưng cảm giác này là có thật và thậm chí là cực kỳ phổ biến. Có lẽ người mẹ Việt nào cũng đã, đang và sẽ trải qua cảm giác tội lỗi với con ở một thời điểm nào đó trong hành trình làm mẹ.
Có những ngày đi làm về muộn, tất cả những gì tôi muốn làm là nằm dài ra đó để xả hơi, nhưng nếu làm như vậy, trong đầu tôi sẽ có một tiếng nói vang lên: “Thật tội nghiệp cho em bé cả ngày không được gặp mẹ. Tại sao mình lại nằm ườn ra thế này, lẽ ra mình phải ôm con và đọc sách cho con nghe chứ.”
Hay là có những ngày, tôi có thể ở thật lâu trong phòng tắm để tận hưởng cảm giác kỳ cọ chăm sóc cho bản thân, nhưng lại không thể làm ngơ khi ngoài kia là em bé đang gõ cửa liên hồi đòi mẹ, như thể trời sắp sập tới nơi.
Có những buổi liên hoan với đồng nghiệp mà tôi chắc chắn rất vui khi được tham gia, nhưng cứ chuông điểm giờ con ngủ là tôi lại thấy nôn nao sốt ruột, dù biết ở nhà đã có bà bế con rồi.
Câu chuyện luôn là như vậy:
Khi ta làm một việc cho mình, để chăm sóc cho bản thân, thì có nghĩa ta phải hi sinh thời gian cho con.
Ta cảm thấy mình là một bà mẹ tồi khi ưu tiên nhu cầu của mình hơn nhu cầu của con.
Dường như mặc định trong đầu chúng ta là một công thức thế này: mỗi việc mà người mẹ làm vì bản thân mình đồng nghĩa với tước đi một thứ gì đó của các con.
Và chính cảm giác tội lỗi ấy khiến chúng ta dần buông tay với bản thân, phớt lờ cho tới khi không còn nhận biết được nhu cầu của chính mình. Để rồi, bạn không biết mình là ai và muốn gì.
Và bạn biết không? Cảm giác tội lỗi đó không đúng!
Trong một mối quan hệ đủ khăng khít và sâu sắc như mối quan hệ giữa mẹ và con, sẽ không còn ranh giới giữa hai bên. Bạn cảm thấy đau khổ và bối rối, thì dù bạn không nói ra, cố gắng che đi, con vẫn cảm nhận được những đau khổ và bối rối ấy. Bạn cảm thấy nhẹ nhõm và hạnh phúc thì con cũng sẽ nhẹ nhõm và hạnh phúc.
Xin lỗi cụ Nam Cao, nhưng trong gia đình, hạnh phúc không phải chiếc chăn quá hẹp mà người này co thì người kia lạnh. Gia đình là một hệ sinh thái chung, mà sự hạnh phúc của người mẹ sẽ cộng thêm vào tổng lượng hạnh phúc của hệ sinh thái đó.
Một người mẹ hạnh phúc sẽ tạo nên những em bé hạnh phúc, một gia đình hạnh phúc. Vì vậy, hãy tự tin lắng nghe, yêu thương bản thân mình. Hãy nhớ rằng yêu thương bản thân mình cũng là một cách yêu thương con.
2. Chăm sóc bản thân, bắt đầu từ nhu cầu vật chất
Bạn có nhớ ngày xưa không? Hồi mà bạn thích ăn gì thì ăn, thích xem gì thì xem, mệt thì ngủ, vui thì thức. Hồi mà bạn chỉ sống cho chính mình.
Giờ đây, mọi việc đã khác. Những quyết định bạn đưa ra không chỉ phụ thuộc vào nhu cầu và mong muốn của bản thân bạn, mà là của một sinh linh bé bỏng khác.
Vậy thì ngay khi có thể, hãy bắt đầu từ điểm này. Hãy dừng đọc và cảm nhận cơ thể mình, ngay lúc này.
Bạn có đang mệt sau một ngày dài, đầu nặng trịch và mắt thì díu lại? Có lẽ bạn nên đi ngủ thôi.
Bạn có đang so vai, cảm thấy cổ – vai – gáy đang cứng lại, mỏi nhừ? Có lẽ, bạn cần tập vài động tác xoay khớp cổ, khớp vai hoặc nhờ chồng xoa bóp cho một chút.
Cổ họng bạn có đang khô rang? Có lẽ bạn cần đi lấy một cốc nước ấm.
Hãy dừng lại như thế, lắng nghe nhu cầu của chính mình, bất cứ khi nào trong ngày khi bạn chợt nhớ ra. Tốt hơn nữa, bạn có thể đặt lịch, báo thức để dừng những việc đang làm và quay về với cảm giác của cơ thể. Nếu thấy mình đang có nhu cầu gì, hãy đáp ứng.
Cần rất nhiều kỷ luật để thực hiện việc này thường xuyên, để rèn luyện lại cách nhận ra và đáp ứng những nhu cầu mà cơ thể đang gửi tín hiệu cho bạn. Đó là bước đầu tiên để yêu thương chính bản thân mình.
3. Quay về với con người thông thái bên trong
Thiền là một cách rất hiệu quả. Đừng vội nói: tôi không phù hợp. Thiền chẳng phải là bộ môn chỉ dành cho những bậc tu hành. Thiền chính là bộ môn cho những người đang rơi vào đau khổ.
Trước đây, tôi cũng từng cố gắng tìm đến thiền khi mông lung và khổ sở nhất. Mọi người đều nói về thiền như một giải pháp tuyệt vời, nhưng tôi không hiểu được cơ chế của nó.
Làm thế nào mà việc ngồi yên, không làm gì, không nghĩ gì trong một khoảng thời gian nhất định, lại có tác dụng hóa giải đau khổ cơ chứ?
Hiểu đơn giản, thiền chính là cách bạn tập quay về quan sát chính mình, giữa một thế giới đầy nhiễu động. Luyện tập kiên trì, bạn sẽ học cách quay về với mình trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đó là cầu nối về với chân ngã.
Nghe thì có vẻ choáng ngợp, những hãy bắt đầu từ 5 phút mỗi ngày, có thể buổi sáng khi con chưa dậy, buổi tối sau khi con đã ngủ say. Bạn chỉ ngồi yên/nằm yên, để cho đầu óc trống rỗng và quay về với hơi thở.
Một cách tiếp cận khác tôi đã bàn luận trong một bài trước đây, là quay về với đứa trẻ bên trong chính mình. Coi mình là một đứa trẻ mong manh, cũng cần được yêu thương chăm sóc, cũng nhạy cảm và dễ tìm niềm vui.
Thử mọi thứ với tâm thế mở
Hãy đi tìm những sở thích, đam mê của bản thân bên ngoài vai trò người mẹ. Bạn đừng nghĩ nó là việc viển vông. Nó quan trọng bởi vì nó giúp bạn cảm thấy vui vẻ, và điều đó tốt cho cả con bạn nữa.
Có thể bạn sẽ cảm thấy mình chẳng còn hơi sức nào tìm sở thích cá nhân, vì công việc và con cái đã quá đủ mệt rồi. Nếu vậy, có lẽ bạn nên chăm sóc nhu cầu về vật chất của bản thân trước và chờ tới khi con lớn hơn.
Ở giai đoạn này, khi mà bạn không biết mình thích gì, thì hãy giữ một tâm thế mở. Hãy đón nhận bất cứ ý tưởng nào. Tập yoga. Đan lát. Làm bánh. Ca hát. Chơi đàn. Vẽ tranh. Bất cứ việc gì bạn nghĩ mình có thể thích. Thậm chí, bạn có thể tập trung cho công việc và phấn đấu để được thăng tiến, nếu thực sự thích điều đó.
Như với tôi, đó chính là viết lách. Khi viết, tôi được chìm đắm trong thế giới của riêng mình. Tôi vừa là một người mẹ nhưng vừa là nhiều thứ khác. Tôi đón chào tất cả những khía cạnh khác của bản thân, ngoài khía cạnh gia đình. Bất cứ điều gì tôi thấy hứng thú, tôi sẽ đọc và viết về, không đắn đo thiệt hơn, không sợ bị đánh giá.
Đừng sốt ruột tới đích, hãy tận hưởng quãng đường
Điều đáng sợ nhất là bạn đi tìm định nghĩa bản thân với một tâm thế sốt ruột:
“Mình đã làm tất cả mọi thứ có thể. Sao mình vẫn mông lung thế này?”
“Bao giờ thì mình mới vượt qua được tình trạng này?”
“Tìm mãi vẫn không kết nối được với bản ngã của mình. Liệu nó có tồn tại không?”
Để rồi bạn bỏ cuộc giữa chừng.
Hãy nhắc nhở mình: đây chỉ là một giai đoạn trong cuộc đời của bạn. Con rồi sẽ lớn, độc lập hơn. Bạn rồi sẽ có nhiều thời gian cho mình hơn. Dần dần, chút một. Hãy tận hưởng trạng thái hiện tại của bạn. Bạn đang tìm lại điểm cân bằng sau khi làm mẹ.
Và có khi chính khủng hoảng định dạng cá nhân lại là cơ hội để bạn trở thành một phiên bản tốt hơn so với bạn-hồi-con-gái.
Tốt hơn, bởi vì bạn từng trải qua những đau đớn và vất vả, và bạn vẫn vượt qua.
Tốt hơn, bởi vì bạn mang trong mình một tình yêu thương, đức hi sinh vô điều kiện cho một sinh linh khác.
Tốt hơn, bởi vì bạn đã đập vỡ những tượng đài cũ kỹ để xây dựng những cái mới, phù hợp hơn.
Yêu thương,
Nguồn: https://mindfullyt.com/