Vì sao mình bỏ thói quen multitask

Vì sao mình bỏ thói quen multitask

Vì sao mình bỏ thói quen multitask

Cách đây mấy tháng, tôi có đăng một bài viết vội trên Facebook với tiêu đề “VÌ SAO MÌNH BỎ THÓI QUEN MULTITASK”

Nội dung bài viết như sau:

“Trong tiếng Anh, multi-task có nghĩa là đa nhiệm, nói đơn giản là làm nhiều việc cùng một lúc. Mình quan sát thấy bản thân và nhiều mẹ khác có thói quen nói tới multitask một cách tự hào như là một khả năng “siêu nhiên” của những ai đã có con. Vấn đề là khi xét từng việc trong số đó, bạn sẽ không làm được việc nào thật chỉn chu và trọn vẹn cả.

Thực tế, khi buộc phải làm nhiều việc cùng lúc, nhất là khi đang ở bên con, mình thường cảm thấy bị mất tập trung và áp lực. Mọi thứ cứ loạn cả lên và mình không kiểm soát được tình hình.

Sau đó, mình quyết định mỗi lúc chỉ làm một việc và làm việc đó với 100% chú tâm. Hết việc này thì mới làm tiếp việc khác.

Đó chính là điểm bắt đầu của ý tưởng về làm cha mẹ tỉnh thức.  

Làm cha mẹ tỉnh thức có nghĩa là hoàn toàn chú tâm với con, giữ một tâm thế nhẹ nhõm và cởi mở, không để những yếu tố nhiễu hay phán xét cố hữu chi phối đến cách nhìn nhận và xử lý vấn đề trong hiện tại.

Mình biết bạn sẽ bảo: nói dễ còn làm mới khó. Đúng là khó thật. Nhưng một khi đã làm được thì kết quả sẽ tuyệt vời: bạn sẽ chú tâm và tỉnh thức hơn, tử tế và thấu hiểu hơn trong mối quan hệ với con. Còn những việc bạn phải làm thì sao? Hãy làm từng việc một, xong rồi mới làm việc tiếp theo.

Làm cha mẹ tỉnh thức đòi hỏi bạn phải liên tục cố gắng giữ sự chú tâm vào hiện tại. Sự chú tâm này có thể ở dưới những dạng khác nhau:

– Lặng yên và chăm chú quan sát con

– Chú ý tới cảm xúc của chính mình khi bạn mâu thuẫn với con

– Biết tạm dừng phản ứng trước một tình huống

– Kiên nhẫn lắng nghe quan điểm của con, dù khác với quan điểm của bạn.

Trước đây, khi đọc về chánh niệm và tỉnh thức, mình thường nghĩ: “Mình có quá nhiều việc phải làm. Ai mà có thời gian cho việc đó chứ!” Nhưng sau những lần làm được và cảm nhận được lợi ích của việc giữ tâm tỉnh thức thì mình nhận thấy đơn nhiệm còn hiệu quả hơn đa nhiệm nhiều.

Mình dần bình tâm hơn.

Mình vui vẻ hơn.

Các con mình cũng vậy

Để nuôi con trong tỉnh thức là dừng multitask. Tắt chế độ đa nhiệm của bạn đi. Ngay lập tức.

Con khóc đòi mẹ bế khi đang nấu cơm? Hãy tắt bếp đi và bế con lên. Nhìn sâu vào mắt con và tặng con một nụ cười từ đáy lòng. Ôm con một cái thật chặt. Hít một hơi thật sâu. Rồi khi cả bạn và con đã sẵn sàng, hãy cùng nhau nấu nướng. Ăn muộn một chút cũng chẳng sao. Còn nếu bạn vừa nấu vừa thi thoảng quay ra nhìn con, nói vài lời dỗ dành hay dọa nạt, trong lòng như lửa đốt, thì bữa tối chắc cũng chẳng ngon”.

Lúc ấy, phóng viên Thanh Ba của Afamily có liên hệ với tôi và đặt một số câu hỏi phỏng vấn. Trong bài phỏng vấn được đăng trên Afamily vào đúng dịp năm mới Tân Sửu, phóng viên đặt ra những câu hỏi gợi mở, tạo điều kiện để tôi chia sẻ sâu hơn xoay quanh lối sống đa nhiệm mà mình từng từ bỏ.

Xin phép Afamily, tôi chép lại bài phỏng vấn ở đây.

– Trước đây bạn có từng là 1 “bà mẹ siêu nhân”, lúc đó bạn như thế nào?

Từ khi chưa lập gia đình, tính cách của mình đã có phần ôm đồm, luôn muốn kiểm soát mọi thứ. Từ khi có con, nghĩa là không phải chỉ lo cho mình nữa mà phải lo cho thêm một con người bé nhỏ với đủ thứ nhu cầu cần đáp ứng ngay và luôn, mình tự động gồng mình lên. Ai thành mẹ chắc cũng như vậy cả, bỗng nhiên thành “3 đầu 6 tay”, làm hai ba việc một lúc.

– Điều gì và từ khi nào (lúc con bao nhiêu tuổi) khiến bạn thay đổi đến nhận thức hiện tại?

Khi mình sinh bé thứ hai đúng lúc bé đầu khủng hoảng tuổi lên 2, mọi thứ đều trật khỏi quỹ đạo. Mình khi đó mới sinh còn mệt, vừa phải lo chăm em bé mới sinh, vừa muốn ở bên em bé hai tuổi đang giữa cơn khủng hoảng lại còn phải làm quen với việc có thêm em bé. Mình chỉ muốn phân thân, còn tâm trí thì như mớ bòng bong. Cứ giằng co giữa việc nhà, chăm em bé và dành thời gian cho chị lớn.

Càng lúc mình càng có cảm giác mất năng lượng, thấy mình không thực sự sống. Lòng mình không yên. Mình cứ làm mọi việc trong chế độ chạy tự động. Mình giống như là lái xe trong sương mù, cứ mải miết đi mà không biết mình đang ở đâu và muốn đi đâu. Đó là lúc mình nhận ra cần thay đổi, cần tìm về với con người bên trong mình để bình tâm lại, sáng suốt và tỉnh thức hơn.

– Nhiều bà mẹ Việt có xu hướng vì những đánh giá bên ngoài (ví dụ con khóc phải dỗ ngay vì nếu không sợ bị đánh giá làm mẹ vô tâm) mà không thể có sự bình tĩnh hay chính kiến của mình, vậy làm thế nào để không tác động bởi yếu tố bên ngoài?

Mình cũng từng là một bà mẹ như thế và vẫn đang từng chút một tiến gần hơn tới câu trả lời. Bằng cách này hay cách khác, chúng ta lớn lên đã được dạy rằng phải làm vui lòng người khác. Từ trong tiềm thức chúng ta đã sợ sự phán xét tới mức đánh mất kết nối với con người bên trong mình. Tới khi có con và thường xuyên đối diện với những mâu thuẫn giữa những giá trị nội tại và giá trị của người khác thì mình nhận ra rằng: nếu cứ đẽo cày giữa đường thì mình không đi đến đâu cả, chỉ mất năng lượng và càng mông lung mà thôi.

Giải pháp mà mình đã và đang thực hiện là phải thực sự kết nối với chính mình, biết mình thực sự muốn gì, tin gì và bám lấy niềm tin đó. Bên trong mình luôn có một phần thông thái, nếu mình bình tâm để xua bỏ những nhiễu loạn bên ngoài thì mình sẽ nghe thấy tiếng nói thông thái ấy và làm theo. Lúc đó, mình tự dưng “dám bị ghét” và cảm thấy bình yên trong mỗi bước chân, mỗi hành động.

– Kiên nhẫn và thấu hiểu có phải là nền tảng của việc làm 1 bà mẹ tỉnh thức?

Mình e rằng kiên nhẫn và thấu hiểu chỉ là kết quả chứ không phải nền tảng của tỉnh thức. Khi đứng trước một vấn đề với con, nếu nhưng các phương pháp nuôi dạy con thường đặt đứa trẻ làm mục tiêu trung tâm, thì cha mẹ tỉnh thức lại quay về với chính mình trước tiên. Họ tin rằng vấn đề với con cũng như bất kỳ vấn đề nào với thế giới xung quanh đều bắt nguồn từ mối quan hệ của họ với chính mình.

Chẳng hạn, khi em bé 3 tuổi của bạn đang rơi vào cơn mè nheo, ăn vạ để đòi mua một món đồ chơi trong cửa hàng, bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ tìm cách để con ngừng khóc: tích cực thì ở bên ôm ấp, vỗ về, tiêu cực thì đánh mắng? Trong tình huống này, cha mẹ tỉnh thức sẽ tạm dừng mọi phản ứng và quay về với chính mình – hay còn gọi là trạng thái chánh niệm, tỉnh thức – để quan sát xem bản thân đang cảm thấy thế nào. Mình đang tức giận, đang buồn hay đang xấu hổ với những người xung quanh?

Khi đã nhìn nhận được cảm xúc của bản thân thì họ tự nhiên sẽ trở nên bình tâm, để nhìn nhận hành vi của con một cách thấu hiểu và công bằng hơn. Có thể con đang thực sự rất muốn món đồ chơi đó. Chắc con phải cảm thấy buồn và thật vọng lắm khi mẹ nói con không thể mang nó về nhà. Hành vi mè nheo, ăn vạ chỉ là cách con biểu hiện cảm xúc, chứ không phải con cố tình thành đứa trẻ hư hay gây khó dễ cho bạn. Nhìn nhận được như vậy nghĩa là bạn đã kiên nhẫn và thấu hiểu hơn. Nó là kết quả của việc bạn giữ mình trong trạng thái tỉnh thức.

– Tắt đi sự đa nhiệm, tắt đi việc làm 1 bà mẹ siêu nhân, có làm cho thời gian hoàn thành công việc mình đang đảm nhận chậm đi không?

Việc chậm hay nhanh có lẽ là ở mỗi người, mỗi hoàn cảnh. Khi chia sẻ bài viết về đa nhiệm, ngoài những lời cảm ơn và đồng tình, mình cũng nhận được những bình luận trái chiều. Có mẹ nói vẫn đa nhiệm nhưng mẹ con vẫn ổn, có mẹ nói mình ngây thơ, nhiều việc không diễn ra đơn giản như trong ví dụ mình đưa. Là một bà mẹ “ba năm hai đứa”, mình biết họ có lý lẽ riêng.

Dù bạn chọn làm theo cách nào, điều quan trọng nhất vẫn là: bạn có thấy ổn không? Nếu bạn cảm thấy lòng mình được an yên, mọi suy nghĩ và hành động đều mạch lạc, thì đơn nhiệm hay đa nhiệm không còn quan trọng. Nhưng nếu đang làm nhiều việc cùng lúc và nhận ra trong lòng đang rối loạn, mông lung, thì bạn hãy dũng cảm dừng lại, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và xử lý từng việc một, mạch lạc và trọn vẹn. Như vậy rõ ràng là hiệu quả hơn.

– Khi bạn áp dụng chế độ đơn nhiệm thì sự thay đổi rõ rệt như thế nào với chính mình và đứa trẻ?

Như mình đã nói trong bài viết, mình trở nên bình tâm hơn, tâm trí thông suốt hơn và sống trọn vẹn hơn trong từng khoảnh khắc. Cuộc sống với hai con nhỏ trước đây giống như một trận chiến đầy hỗn loạn. Con thì không bé mãi, trải nghiệm bên con lẽ ra phải là những giây phút hạnh phúc mình nâng niu, thì lại chỉ gây cho mình áp lực, sợ hãi, tức giận.

Khi bước chân vào hành trình làm mẹ tỉnh thức, mình đã quyết tâm sẽ đi ngược lại quán tính thông thường, không để cho những lo âu, trách nhiệm của người mẹ cuốn tâm trí của mình đi mất. Mỗi lúc chỉ làm một việc với sự chú tâm trọn vẹn, mình cảm thấy lòng mình bình yên, sáng suốt để quan sát nhu cầu của con.

Trẻ con thì luôn học bằng cách bắt chước. Mình như thế nào, con sẽ như thế. Mình lo lắng, to tiếng thì con mình cũng vậy. Mình bình thản, yêu thương, thấu hiểu thì con cũng thế. Mình hy vọng rằng, đó chính là nền tảng để con trở thành một người lớn hạnh phúc.

Yêu thương,

Nguồn: https://mindfullyt.com/