Top 5 Phương Pháp Xây Dựng Backlink Cực Hiệu Quả Cho Amazon Niche Site

Top 5 Phương Pháp Xây Dựng Backlink Cực Hiệu Quả Cho Amazon Niche Site

Để SEO từ khóa lên top Google, sẽ có rất nhiều yếu tố bạn cần đạt được.

Nhưng trong số đó, chỉ có 2 yếu tố chính sẽ quyết định kết quả của cuộc chơi.

Đó là nội dung tốt và backlink mạnh!

Và trong bài viết này, mình xin chia sẻ một chút về backlink trong SEO cũng như những yếu tố chính liên quan đến backlink.

Nhưng trước khi đi ngay vào phần chính, mình muốn bạn hiểu các phần cơ bản nhất trước.

Nếu bạn là người đã có kinh nghiệm, hãy dùng phần mục lục bên dưới để “nhảy cóc” đến phần thứ 3 và bắt đầu từ đó.

Còn nếu bạn là người mới, mình khuyên hãy đọc từ đầu để thật sự hiểu những gì mình chia sẻ.

“Backlink hay link là thuật ngữ chuyên ngành THƯỜNG được sử dụng để chỉ các liên kết từ các website khác về website của bạn.”

Tại sao lại là phải từ các website khác?

Vì bạn có thể hiểu đơn giản, việc đua top cho từ khóa bạn chọn sẽ như một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào một chức vụ nào đó.

Điều kiện cần là bạn phải có đủ tư chất để làm tốt ở vị trí đó (cái này chính là nội dung / content tốt).

Nhưng tư chất tốt thôi chưa đủ.

Bạn còn cần các lá phiếu (backlink) từ những người khác bầu cho bạn nữa.

Và nếu bạn được càng nhiều phiếu, và các lá phiếu đó đến từ những người có “máu mặt” (các website lớn) thì khả năng bạn được bầu vào vị trí (lên top) là chắc đến 99% ?

Tất nhiên, bạn vẫn có thể tự bầu cho mình bằng các link nội bộ (internal link) từ các trang nội dung trên cùng website của bạn.

Nhưng điều đó sẽ không thể giúp bạn được nhiều như khi bạn có backlink từ các website mạnh khác trỏ về mình.

Hi vọng là ví dụ của mình không quá khó hiểu.

Nhưng thực sự thì đó chính là hình ảnh ẩn dụ của “cuộc chiến” đua top trên Google.

backlinks

Backlink cũng có nhiều loại.

Nhưng để đẩy website của bạn lên top cho các từ khóa đã chọn thì backlink bạn xây dựng cần đạt các tiêu chí sau:

Backlink thường chia làm 2 loại là dofollow và nofollow.

Về cơ bản, dofollow link được hiểu là các link truyền được “sức mạnh” tới site của bạn.

Còn nofollow link là các link không truyền được “sức mạnh” tới site của bạn.

Google gần đây đã thay đổi một chút về cách hoạt động của nofollow link, nhưng về cơ bản, nó vẫn sẽ hoạt động như mình vừa giải nghĩa.

Để check link là dofollow hay nofollow, bạn có thể dùng công cụ MozBar của Chrome.

(Cài đặt ở đây: https://chrome.google.com/webstore/detail/mozbar/eakacpaijcpapndcfffdgphdiccmpknp?hl=en)

Khi đã cài mozbar, hãy ấn biểu tượng chữ M cho đến khi bạn thấy thanh mozbar hiện lên.

Sau đó, hãy bấm chọn nút “Followed” và “No-followed” để check.

Nếu là link nofollow, mozbar sẽ bôi tím link đó cho bạn.

nofollow link

 

Còn nếu nó là link dofollow thì sẽ được bôi màu xanh.

 

dofollow link

Không quá khó để phân biệt phải không?

Sau khi check xong, bạn chỉ việc bấm nút một lần nữa và mozbar sẽ bỏ mã màu link cho bạn.

Và mục tiêu của bạn sau này sẽ là xây dựng các backlink dofollow về site của bạn để tăng sức mạnh cho toàn website.

Nhưng ở đây có một ý quan trọng bạn cần ghi nhớ.

Đó là bạn vẫn cần cả link nofollow để Google thấy được website của bạn đang phát triển một cách tự nhiên.

Đơn giản bởi không có website nào 100% backlink trỏ đến đều là dofollow cả, phải không?

Việc lấy link nofollow rất đơn giản, mình sẽ dành riêng một bài sau này để chia sẻ tránh gây loãng topic.

Thường khi xây dựng backlink, bạn sẽ gặp các trường hợp sau:

TH 1: Link đến từ một bài viết nằm trên một website có chủ đề liên quan trực tiếp tới site của bạn

Ví dụ, site của bạn là về chủ đề máy hút bụi.

Và bạn có được 1 link từ 1 site khác cũng về chủ đề máy hút bụi trỏ về site của bạn.

Link đó còn nằm trong 1 bài nội dung có chủ đề là “Cách chọn mua máy hút bụi Toshiba” chẳng hạn.

Một backlink như vậy sẽ mang nhiều yếu tố “relevance” (yếu tố liên quan) về nội dung và thường sẽ được Google đánh giá rất cao.

TH 2: Link đến từ bài viết có nội dung liên quan, nhưng website có chủ đề không liên quan nhiều

Vẫn cùng ví dụ, site của bạn là về máy hút bụi.

Bạn có 1 link từ một bài viết có chủ đề là “Top 10 dòng máy hút bụi tốt nhất 2019”.

Nhưng lần này, bài viết đó lại nằm trên một trang báo điện tử lớn, hoặc một website về đồ gia dụng chung chung chẳng hạn.

Như vậy lần này, mức độ liên quan về nội dung không còn được tốt như TH1.

Tuy nhiên, link bạn có được lại mang về “link juice” hay “link power” (sức mạnh) nhiều vì đó là link từ một site lớn.

TH 3: Link đến từ bài viết và website có nội dung hoàn toàn không liên quan

Sẽ thế nào nếu site máy hút bụi của bạn lại có 1 link đến từ một bài viết về chủ đề “đồ chơi lego”?

Và bài viết đó nằm trên một website về đồ chơi trẻ em?

Tất nhiên, bạn vẫn có thể nghĩ ra một hoàn cảnh cụ thể để kết nối 2 chủ đề gần như chẳng ăn nhập gì với nhau đó.

Nhưng sẽ là rất khiên cưỡng, và Google cũng hiểu điều đó.

Đặc biệt là khi thuật toán của Google đang ngày càng thông minh hơn sau rất nhiều lần update thuật toán.

Theo những lần test trực tiếp với site của mình, mình thấy dạng link này tạm thời vẫn có tác dụng.

Nhưng có lẽ sẽ chỉ là câu chuyện sớm hay muộn Google sẽ dần không đánh giá cao các link dạng này nữa.

Vì vậy, mình khuyên bạn nên tập trung vào 2 trường hợp đi link 1 và 2 từ giờ trở đi.

anchor text

Trước hết, anchor text là gì?

Để dịch từ này ra tiếng Việt thì mọi người hay gọi là “mỏ neo từ khóa”, nghe khá buồn cười.

Nên mình sẽ để nguyên là anchor text, vì thật ra vốn nó là một từ chuyên ngành nên không nhất thiết phải dịch.

Anchor text là phần nội dung được dùng để tạo ra liên kết (link).

Dạng nội dung này thường là dạng text hay văn bản.

Ví dụ, đây là bài viết về những kinh nghiệm của mình khi làm Amazon affiliate.

Bạn có thể thấy cụm từ “kinh nghiệm của mình khi làm Amazon affiliate” chính là anchor text để tạo ra link trỏ về bài viết khác của mình trên blog.

Như vậy, điều quan trọng nhất bạn cần chú ý ở đây là gì?

Đó là luôn giữ anchor text liên quan tới từ khóa mà bạn muốn SEO lên top.

Và trong trường hợp này, mình muốn SEO bài viết kia cho từ khóa “kinh nghiệm affiliate amazon”, do đó mình chọn một anchor text như trên.

Anchor text cũng có nhiều loại. Nhưng chủ yếu sẽ được chia làm 4 dạng chính:

  • Exact match anchor text: anchor text chứa CHÍNH XÁC từ khóa bạn muốn SEO lên top, ví dụ “best gaming mice under $500” chẳng hạn
  • Partial match anchor text: anchor text chứa MỘT PHẦN từ khóa bạn muốn SEO top, hoặc chứa các từ LIÊN QUAN đến từ khóa bạn muốn SEO top. Ví dụ: “gaming gear”, “buying a good gaming mouse”…
  • URL anchor text: đây là anchor text dạng đường dẫn ví dụ https://www.pcgamer.com/the-best-gaming-mouse/
  • Random anchor text: đây là anchor text dạng ngẫu nhiên, ví dụ “click here”, “read more”…

Theo kinh nghiệm của mình, dạng anchor text bạn nên sử dụng nhiều chính là Partial match.

Tại sao ư?

Bởi nó vẫn gửi được các tín hiệu về mức độ liên quan (relevance) tới bài viết của bạn.

Ngoài ra, nó cũng an toàn hơn rất nhiều nếu bạn chỉ sử dụng exact match anchor text hoàn toàn, sẽ rất dễ bị Google “đá đít” vì tối ưu hóa quá đà (over-optimization).

Các anchor text exact chỉ nên dùng cho các link mạnh nhất mà bạn có được để tối ưu về sức mạnh, ví dụ như các link từ hệ thống site vệ tinh PBN.

Còn các anchor text dạng URLngẫu nhiên, bạn vẫn nên sử dụng để làm link của website nhìn “tự nhiên” hơn trong mắt Google.

link velocity

Đây cũng là một yếu tố quan trọng bạn cần để tâm. Đặc biệt là với các website mới toanh.

Với site mình, thường mình hay đi link 1 tuần 1 lần trong 3 tháng đầu tiên.

Điều đó có nghĩa là gì?

Nghĩa là cứ mỗi tuần, mình sẽ làm link về site của mình từ 1 website nào đó khác.

Các site đó có thể là các site trong hệ thống site vệ tinh PBN (Private Blog Network) của mình.

Hoặc từ các nguồn link khác mà mình sắp chia sẻ bên dưới đây.

Làm như vậy sẽ giúp website thăng hạng từ từ và an toàn, tránh “đánh động” Google vì site mới rất dễ bị để ý nếu bạn làm không cẩn thận.

Còn với các site cũ đã có tuổi đời trên 1 năm và có sẵn traffic, bạn có thể tăng số lượng link hàng tuần lên tùy khả năng.

Tất nhiên là chẳng có con số cụ thể nào ở đây cả.

Bạn sẽ cần phải tự test để ra được con số của riêng mình thôi.

Nhưng như mình, kể cả khi site đã ổn định hơn 1 năm, mình cũng vẫn không đi quá 3 link/tuần tới site.

Một phần vì khi đó, mình sẽ tập trung nhiều hơn vào content để đẩy traffic cho site.

Xây dựng link khi đó sẽ nhằm mục đích “bảo trì” thứ hạng và tăng dần sức mạnh của site lên.

Đây cũng là một ý bạn cần biết.

Backlink ngoài dạng text hay văn bản ra, còn có 1 dạng chính nữa là hình ảnh (image).

Tuy nhiên, text link vẫn là chủ đạo

Và mặc dù không quan trọng bằng các ý trước đó, nhưng bạn cũng nên có một vài link dạng hình ảnh trỏ về site của mình để làm mọi thứ trông tự nhiên hơn.

OK, trên đây là các ý quan trọng bạn cần ghi nhớ khi làm link cho niche site.

Còn bây giờ, mình muốn bạn làm quen với một “người bạn mới” ?

seo đang thay đổi

Google và SEO luôn biến đổi. Và trong 2-3 năm vừa qua, SEO nói chung và link building nói riêng đã thay đổi rất nhiều!

Đặc biệt là nếu bạn SEO trên Google.com cho các site Amazon affiliate của mình.

Và “email outreach link building” chính là xu hướng mới chủ đạo.

Sẽ không còn tool như SENuke, GSA, FCS bắn link ầm ầm.

Không còn tạo hàng loạt web 2.0 như blogspot, wordpress, weebly… để spam link về site chính hay làm link tầng.

Sẽ không còn chỉ dựa 100% vào hệ thống site vệ tinh PBN được nữa vì rủi ro đã cao hơn nhiều.

Vậy email outreach link building là gì?

Hiểu đơn giản, đó là bạn email cho các website liên quan khác và “thuyết phục” họ link về site của bạn.

Đơn giản chỉ có vậy thôi.

Nhưng đó là về ý tưởng. Còn thực hiện thì sẽ có đến cả trăm thứ bạn phải học để thật sự có được kết quả tốt.

Còn “thuyết phục” ở đây chính xác là gì?

Đó là bạn có thể thuyết phục họ link về bằng cách viết những bài nội dung hay và giá trị đến mức chỉ nhìn là muốn link về rồi!

Hoặc bạn có thể tặng họ một bài nội dung mới cho website của họ hoàn toàn miễn phí.

Hay đơn giản, bạn sẽ trả họ một khoản tiền nhất định để có được các backlink đó.

Ở đây, mình biết nhiều bạn sẽ nói rằng việc trả tiền để mua link là đi ngược lại tiêu chuẩn của Google.

Điều đó đúng MỘT PHẦN.

Và mình muốn chia sẻ quan điểm cá nhân của mình một chút.

Thứ 1: Google KHÔNG BAO GIỜ khuyến khích các webmaster CHỦ ĐỘNG xây dựng link từ các website khác về site của họ

Cái Google muốn chỉ là bạn hãy viết nội dung thật hữu ích cho người dùng, tối ưu hóa Onpage thật tốt cho bot của search engine, còn lại cứ để Google lo ?

Mặc dù đây thực tế cũng là một cách để phát triển site.

Nhưng nó là cách lâu có kết quả nhất!

Và thường bạn sẽ phải đầu tư rất nhiều $$$ cho content trước khi có thể thấy được traffic ổn định đến từ Google.

Đó là chưa kể thời gian phải chờ đợi và hi vọng các bài content đó mang lại đủ traffic để bạn có thể thấy được tiềm năng của niche.

Các bài content đó gần như 100% cũng chỉ có thể nhắm tới các super long tail keyword kiểu như “how to teach your child to be more aggressive in sports”.

Tại sao?

Bởi chỉ làm như vậy, bạn mới có khả năng lên top và kéo traffic về khi site của bạn mới toanh.

Và cũng chỉ khi lên top được cho các từ khóa siêu dài đó, bạn mới có thể có được các backlink tự nhiên trỏ về site của mình.

Và chính các link tự nhiên đó mới là động lực chính đẩy sức mạnh tổng thể của site bạn lên cao hơn, khiến nó đủ khả năng cạnh tranh cho các từ khóa khó hơn sau này.

Thứ 2: Việc bạn mua link có thể đi ngược lại tiêu chuẩn của Google, nhưng đó là việc làm hết sức bình thường và KHÔNG HỀ phạm pháp

Google cũng chỉ là một công ty công nghệ, và nó không đại diện cho pháp luật.

Việc bạn mua link cũng chỉ như bạn mua một món đồ không hơn không kém.

Nhiều bạn newbie nghĩ nếu mua link thì mình đang phạm phải tội lỗi gì ghê gớm lắm.

Và “ông thần” Google sẽ trừng phạt và bỏ tù bạn bất cứ lúc nào.

Nhưng thực tế thì không phải vậy vì như mình vừa chia sẻ ở trên.

Nên hãy cứ yên tâm mà bước.

Thứ 3: Bạn hoàn toàn có thể mua link mà không để lại bất kỳ “dấu vết” gì để Google hay bất kỳ ai có thể phát hiện ra

Đây là bước liên quan nhiều đến phần kỹ thuật thực hành rồi, nên mình sẽ chia sẻ thêm trong các phần tiếp theo.

Tuy nhiên, bạn cứ hiểu rằng có nhiều cách để các backlink bạn mua từ các site khác nhìn hoàn toàn tự nhiên và bình thường.

OK, vậy đó là khái niệm về email outreach link building, và quan điểm cá nhân của mình về việc mua backlink.

Bạn có thể đồng ý, có thể không, mình hoàn toàn tôn trọng quan điểm của bạn.

Nhưng hãy nhớ, mục tiêu cuối cùng vẫn là lên top Google một cách nhanh và an toàn nhất có thể.

Chứ cũng không có gì đảm bảo 100% ở đây cả, vì mỗi phương án đều có rủi ro đi kèm nhất định.

Cũng như khi bạn kinh doanh offline vậy.

Còn chọn con đường nào thì sẽ là do bạn thôi.

Phương pháp hay kỹ thuật thì có rất nhiều.

Nhưng mình sẽ chỉ nói về những cách mình đã làm, đã áp dụng thực tế và có kinh nghiệm tương đối.

Ở đây, mình cũng sẽ chưa thể đi sâu ngay làm tut dạng step by step cho bạn được vì mỗi cách làm sẽ cần một bài viết (kèm cả video) riêng.

Tuy nhiên, mình sẽ cho bạn thấy được ý tưởng và hướng thực hiện của từng phương pháp ra sao.

4.1) Shotgun skyscraper

skyscraper technique

Kỹ thuật đi link skyscraper là một kỹ thuật được phát triển bởi Brian Dean của Backlinko.com: https://backlinko.com/skyscraper-technique

Nếu bạn chưa đọc và chưa biết về kỹ thuật đó, mình khuyến khích bạn nên đọc để hiểu về “khởi nguồn” của nó.

Brian và blog Backlinko có thể coi là khởi nguồn của rất nhiều những kỹ thuật đi link và SEO thú vị bây giờ.

Còn shotgun skyscraper là một kỹ thuật mình học được sau này và áp dụng khá thành công.

Về cơ bản, shotgun skyscraper hoạt động như sau:

Bước 1: Tìm 1 từ khóa dạng thông tin (information) liên quan đến chủ đề của site, ưu tiên các từ khóa ngắn (2-3 từ đơn), lượng tìm kiếm cao ( > 1000/tháng).

Ví dụ, nếu site của mình là về máy hút bụi, từ khóa mình chọn có thể là “vacuum cleaner types”.

Bước 2: Phát triển 1 bài nội dung hữu ích, với nhiều hình ảnh, dẫn nguồn uy tín, video minh họa, infographic…

Mục đích là làm bài viết của bạn tốt hơn tất cả các kết quả đang đứng top của Google cho từ khóa đó.

Bạn có thể xem thêm cách phát triển 1 bài nội dung mới tại đây.

Với từ khóa đã chọn ở trên, mình có thể sẽ phát triển một bài viết với tiêu đề “Vacuum cleaner types: The complete guide for beginners” chẳng hạn.

Bài viết này sau này sẽ được gọi là skyscraper post, pillar post, hoặc linkable asset đều được.

Bước 3: Dùng ahrefs để lên list các website ĐANG TRỎ LINK TỚI các kết quả đang xếp trên top 10 cho từ khóa “vacuum cleaner types”.

Bạn có thể đăng ký dùng thử 7 ngày tại https://ahrefs.com/ hoặc search các bên mua chung tool SEO tại VN cũng OK.

Đến bước này, bạn sẽ hiểu lý do tại sao ở bước 1, bạn nên chọn các keyword ngắn và lượng tìm kiếm nhiều để làm nội dung.

Bởi làm vậy, bạn sẽ có nhiều website để email xin link hơn trong bước tiếp theo.

Lý do bởi để lên top được cho các từ khóa ngắn và lượng tìm kiếm cao, thường các kết quả trên top sẽ được rất nhiều các website khác link tới.

Bước 4: Email cho các website tìm được ở bước 3, và thuyết phục họ link về bài viết mới của bạn thay vì bài viết cũ của đối thủ.

Để tìm email của một website nhanh chóng, bạn có thể cài plugin hunter.io cho Chrome: https://hunter.io/chrome

hunterio

Mỗi khi bạn truy cập một website, nếu website đó có thông tin về email, biểu tượng hunter.io sẽ sáng lên.

Và bạn chỉ cần bấm vào đó, plugin sẽ liệt kê tất cả các địa chỉ email nó tìm được liên quan đến website.

Email có thể có nhiều, nhưng mình khuyên bạn nên chọn các email của admin, editor, webmaster, support, hoặc các email có tên riêng nếu là blog cá nhân.

Vì các email đó thường có thẩm quyền để thay đổi nội dung trên site, hoặc ít nhất là có thể kết nối bạn đến bộ phận có thẩm quyền đó.

Còn về email bạn gửi có thể rất đơn giản thôi, ví dụ:

Xin chào,

Mình là Duy, admin của abc.com

Mình có đang tìm hiểu về chủ đề “…..” và vô tình tìm thấy bài viết của bạn trên Google.

Sau khi đọc, mình thấy bài viết đó rất hữu ích, và hình như bạn có link về bài viết của XYZ.com trong đó.

Thật trung hợp là mình cũng có 1 bài viết như vậy.

Và bài viết của mình cũng chi tiết và cụ thể hơn.

Nên mình cũng muốn thử hỏi liệu bạn có thể link về bài viết của mình được không?

Vì nó sẽ giúp độc giả của họ có một tài liệu bổ ích hơn để nghiên cứu.

Mong nhận được hồi âm từ bạn.

Duy.

Ví dụ, ở bước 3, bạn tìm được một list gồm 300 website để gửi email trên.

Và sau khi gửi + follow up thêm 1-2 email nữa, cuối cùng bạn có được 3 link trỏ về bài viết của mình.

Vậy là tỷ lệ ra link của bạn cho chiến dịch là 1%.

Tương đối tốt nếu bạn chọn KHÔNG trả tiền cho link, vì phần lớn các webmaster bạn contact sẽ đòi tiền để đặt link.

Còn nếu bạn chọn CÓ trả tiền để đổi lấy link, tỷ lệ thành công có thể lên đến từ 7-15% tùy chiến dịch.

Bước 5: Sau khi bài viết skyscraper của bạn nhận được nhiều link trỏ về, nó sẽ chứa sức mạnh tương đối lớn.

Bạn cứ tưởng tượng bài viết đó ban đầu như một cái bể nước lớn, nhưng hoàn toàn trống rỗng.

Và sau khi link đổ về, nước trong bể đã đầy lên rất nhiều.

Giờ đây, việc của bạn là dẫn “dòng nước” (sức mạnh của link) đó tới các trang nội dung khác cần SEO lên top trên site của bạn thông qua link nội bộ (internal link).

Ví dụ, từ bài skyscraper “Vacuum cleaner types: The complete guide for beginners” ở trên, mình có thể dẫn link tới các bài khác trên site như:

  • Best vacuum cleaners for dog hair
  • Best upright vacuum cleaners
  • Best vacuum cleaners for wood floors

Tất cả đều liên quan tới bài skyscraper, phải không?

Như vậy là link nội bộ của bạn sẽ phát huy tối ưu sức mạnh của nó rồi đấy.

Vì lúc này bạn sở hữu cả 2 yếu tố chính là sức mạnh + mức độ liên quan cao về mặt nội dung!

Cách làm này cực thích hợp để phát triển cả một tổ hợp nội dung (topic cluster) và đẩy từ khóa lên top nhanh chóng.

4.2) Guest posting

guest posting

Guest posting có lẽ là kỹ thuật đi link “cổ xưa” nhất mà mình từng biết và ứng dụng.

Matt Cutts, trưởng bộ phận chống spam của Google trước đây từng nói guest posting đã “chết” vì có quá nhiều webmaster lợi dụng nó.

Tuy nhiên, gần như ngay sau đó, Matt đã phải đính chính lại rằng chỉ có các chiến dịch guest posting spam với số lượng lớn mới là vấn đề.

Nhưng đó là câu chuyện từ 2014 rồi.

Và cho đến giờ thì guest posting vẫn sống khỏe re!

Và quan trọng hơn, đó là các SEO và webmaster đã biến đổi để thích nghi với môi trường mới (nghe như kiểu X-men vậy ? )

Vậy guest posting là gì?

Hiểu đơn giản, đó là khi bạn contact các webmaster và xin phép họ được đăng tải bài nội dung do bạn viết lên site của họ.

Các webmaster sẽ được bài nội dung mới hữu ích trên site. Người dùng của họ sẽ có gì đó mới để đọc.

Còn bạn sẽ có link về 1-2 bài viết bạn chọn trên site của bạn.

Ở đây, như mình đã chia sẻ bên trên, nhiều khi bạn sẽ vẫn phải trả tiền để các webmaster đó đăng bài trên web của họ cho bạn.

Và đó là điều bình thường, cũng như khi bạn muốn nhờ sân nhà hàng xóm để gửi xe cho quán ăn của bạn vậy.

Vậy cách để tìm ra các site bạn có thể guest post lấy link là gì?

Đơn giản, bạn có thể tìm trên Google với các cụm tìm kiếm sau:

  • Từ khóa + “guest post”
  • Từ khóa + “writer for us”
  • Từ khóa + “submit a guest post”

Ví dụ: vacuum cleaner + guest post (bạn có thể bấm vào link để xem kết quả tìm kiếm trên Google)

Hoặc nếu chủ đề từ khóa bạn chọn cho quá ít kết quả, hãy dùng các từ chung chung hơn ví dụ “house cleaning”, “housekeeping”…

Hoặc các từ thuộc các niche liên quan ví dụ “family”, “parenting”…

Có rất nhiều các cụm tìm kiếm như vậy, và mình sẽ share sau trong bài hướng dẫn chi tiết về guest posting.

Sau khi tìm ra các website như vậy, nhiệm vụ của bạn sẽ là contact họ qua email hoặc form contact trên site để xin được guest post.

Email bạn gửi cũng rất đơn giản thôi, ví dụ:

Xin chào,

Mình là Duy, admin của xyz.com

Mình có vô tình tìm ra site của bạn và mình thấy rất thích nội dung trên site.

Hình như bạn cũng có chấp nhận guest post, phải không?

Mình cũng muốn được guest post trên site của bạn.

Không biết như vậy có OK không?

Hãy nhắn lại cho mình nhé, cảm ơn bạn.

Duy.

Sau đó, nếu họ trả lời lại, bạn hãy cho họ 2-3 ý tưởng bài viết kết nối được giữa chủ đề site của họ với site của bạn.

Và sau khi 2 bên thống nhất chủ đề bài viết + các tiêu chí cần có, bạn sẽ tiến hành viết bài hoặc thuê viết bài guest post đó để gửi cho họ.

OK, vậy là xong ?

Guest posting là 1 trong số các kỹ thuật mình sử dụng nhiều nhất, cùng với skyscraper.

Ưu điểm của phương pháp này là bạn có thể trỏ link trực tiếp về các money post (các bài best, review kiếm tiền) của bạn để đẩy thứ hạng lên top.

Việc làm này sẽ không thể thực hiện được với phương pháp shotgun skyscraper.

Và nếu bạn làm tốt, tự bạn có thể có được 1 danh sách các bên cho bạn đặt link để dùng cho các website sau này rồi đấy.

Không quá khó, phải không?

checkmylink

Broken link hiểu đơn giản là các link bị lỗi (thường là lỗi 404) trên một trang nội dung nào đó.

Để check link nào bị lỗi, link nào không trên một trang nội dung, bạn có thể dùng plugin Check My Links của Chrome:

https://chrome.google.com/webstore/detail/check-my-links/ojkcdipcgfaekbeaelaapakgnjflfglf

Sau khi cài xong, bạn có thể lên bất kỳ trang nội dung nào và bấm nút Check My Links để công cụ quét link trên trang nội dung đó.

Nếu link bị lỗi 404 hoặc các lỗi khác, nó sẽ được bôi đỏ.

Còn lại, link đánh dấu xanh là link tốt đang hoạt động bình thường.

Ví dụ như hình ở trên, bạn có thể thấy link tới trang nói về “Jack Schiff” và “Don Cameron” đang bị 404.

Và việc của bạn đơn giản là:

  • Contact webmaster của website có trang nội dung đó
  • Thông báo với họ rằng bài viết của họ đang link tới 2 trang bị 404
  • Gợi ý họ link về bài viết của bạn để thay thế

Xong ?

Tất nhiên, để có một bài nội dung thay thế, website của bạn cũng nên có một bài viết nào đó nói về cùng chủ đề với bài viết đang bị 404 kia.

Trong trường hợp này, site của bạn nên có 1 bài nói về “Jack Schiff”, và 1 bài nói về “Don Cameron”.

Bạn có thể sử dụng công cụ Way Back Machine (https://archive.org/) để tham khảo nội dung trước đây của các trang bị 404 đó:

archive

Sau khi đã biết trước đó họ viết gì về 2 nhân vật kia, bạn có thể viết lại và thêm thắt để nội dung tốt hơn.

Sau đó, hãy contact webmaster kia để gợi ý họ link về bạn thay cho 2 bài bị lỗi.

PRO TIP:

2 trang nội dung bị 404 kia có thể còn đang có rất nhiều các trang nội dung khác link về.

Bạn hãy dùng ahrefs để check các website đang đang trỏ backlink về 2 trang 404 đó.

Sau đó, hãy contact tất cả các website đó, thông báo rằng họ đang link đến các trang không còn tồn tại, và gợi ý họ link về 2 bài viết bạn vừa làm trên site.

Một công đôi ba việc đấy nhỉ ?

4.4) Round up post link building:

round up content

Round up post là một dạng bài viết rất đặc thù.

Mục đích của nó là giúp bạn có lý do để contact các webmaster được bạn liệt kê trong bài viết đó.

Thường content round up sẽ có 2 dạng:

  • Expert round up: Bạn liệt kê một list các chuyên gia, người nổi tiếng trong niche của bạn, giới thiệu về họ và website của họ, nói với mọi người họ tuyệt vời thế nào, và sau đó thì contact họ để xin link.
  • Content round up: Bạn liệt kê các nội dung bạn thấy hay về một chủ đề nào đó cũng từ các chuyên gia, người nổi tiếng trong lĩnh vực của bạn, sau đó contact để cho họ biết và xin link về bài round up của bạn.

Đây là một phương pháp tương đối hiệu quả.

Đặc biệt khi nó đánh vào tâm lý thích thể hiện của con người.

Là người ai cũng muốn được coi trọng, được lắng nghe.

Bạn và mình, ai cũng vậy cả thôi, đừng chối ?

Do đó, nếu bài round up bạn làm tốt, thì khả năng khi contact các webmaster kia, họ sẽ rất dễ link về bài viết của bạn.

Lý do là họ muốn thể hiện với độc giả của họ là họ được rất nhiều bên biết đến và liệt vào danh sách “người có tầm ảnh hưởng”.

Đặc biệt là nếu các website đó có mục “Press”, “Mentions”, “Us around the web”… chẳng hạn, thì khả năng bạn có link còn cao hơn nữa.

Đơn giản bởi chính họ cho bạn biết rằng họ dành hẳn riêng 1 mục trên site chỉ để liệt kê các nơi đã nhắc đến họ, đúng không?

Ví dụ như bài viết này: https://www.developgoodhabits.com/fitness-blogs/

Chủ đề của bài viết là top 21 blogger về thể hình bạn nhất định phải follow trong năm 2019.

Đây chính là một dạng nội dung điển hình của round up post được dùng để đi link về website.

Với phương pháp này, thường bạn sẽ KHÔNG phải bỏ tiền để có được link.

Nhưng chính vì vậy nên tỷ lệ ra link thường cũng sẽ không cao.

Do đó, mình khuyên bạn nên làm một list tầm 50-100 các website/blog trong bài viết.

Để khi contact, kể cả nếu tỷ lệ ra link chỉ là 2-5% chẳng hạn, thì ít nhất bạn cũng sẽ có 2-5 link rồi.

Nếu số tiền bạn bỏ ra để viết bài là vào khoảng $45 (cho 3,000 từ) chẳng hạn.

Thì mỗi link của bạn chỉ tốn có $9-$22.5 mà thôi.

Có thể bạn chưa nhìn thấy được, nhưng con số đó là CỰC KỲ TỐT nếu so với các phương pháp khác rồi đấy!

resource page

Resource page được hiểu đơn giản là các trang nội dung có mục đích link tới các tài liệu, trang web hữu ích cho người dùng về một chủ đề nào đó.

Ví dụ như trang nội dung này về chủ đề boxing hay quyền Anh: https://www.fitzsimmons.co.nz/html/links.html

Và chính vì mục đích tồn tại đó, nên các resource page sẽ là các “mục tiêu” rất khả thi để bạn có thể xin được link từ đó.

Đơn giản bởi các trang nội dung đó tồn tại để link tới các trang khác mà, phải không?

Để thực hiện kỹ thuật làm link này, bạn cần làm 3 bước sau:

Bước 1: Tìm các trang resource page này bằng các cụm tìm kiếm sau trên Google

  • Từ khóa + inurl:links.html
  • Từ khóa + inurl:resources
  • Từ khóa + “useful links”

Bước 2: Phát triển một bài nội dung mới có chủ đề phù hợp để có thể đặt được cùng với các link trên các trang resource page đó

Để làm được điều này, bạn hay xem chủ đề chính mà các trang resource page đó đang link tới các trang khác là gì.

Bạn thậm chí bạn có thể gợi ý link về chính trang chủ website của bạn, nếu các link khác cũng là link về trang chủ.

Bước 3: Liên hệ với các webmaster đó qua email và gợi ý họ link về bài viết của bạn giống như đã làm với các bên khác

Xong.

Với cách làm này, đôi khi bạn sẽ phải trả tiền để có link.

Nhưng % có link free cũng sẽ rất cao.

Tạm kết

Bạn đọc được đến đây thật à :))

Nếu bạn thật sự đọc hết mà không lướt qua phần nào thì mình thật sự phục bạn.

Bạn vừa đọc hết gần 6,000 từ của bài viết này đấy.

Trên đây là những tóm tắt sơ lược nhất về các cách làm link cho Amazon niche site mà mình đã từng làm và có kết quả tốt.

Hãy nhớ, tùy niche mà có kỹ thuật này cho ra link tốt hơn kỹ thuật kia.

Nhưng với mình, 2 kỹ thuật chính mà mình chọn vẫn là Shotgun skyscraperGuest posting.

Với 2 công cụ đó, bạn gần như có thể làm link cho BẤT KỲ niche nào.

Trong các bài viết sau, mình sẽ đi vào chi tiết của từng kỹ thuật với video demo cụ thể.7

Nếu bạn muốn được update ngay khi mình đăng bài viết mới, hãy nhớ subscribe nhé.

Cảm ơn bạn một lần nữa vì đã đọc bài, hẹn gặp lại bạn trong các bài viết sau.

Nguồn: Duy Nguyễn blog