Bí quyết để bạn và con bạn học giỏi tiếng Anh
Bí quyết thực sự để bạn (hoặc con bạn) học giỏi tiếng Anh
“Làm sao để học giỏi tiếng Anh vậy?”
Trong mười mấy năm qua đã quá nhiều người hỏi mình câu hỏi ấy. Đáng tiếc là mình chưa bao giờ đưa ra được một câu trả lời làm hài lòng các bạn. Thường mình chỉ nói “Mình cũng không biết nữa”. Và đó là một lời nói thật.
Suốt những năm qua, mình không biết tại sao mình có thể học và sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai, tại sao có thể nhớ một từ dài sau khi chỉ tiếp xúc 1 lần, tại sao có thể phát âm đúng cả những âm khó với người Việt. Thậm chí mỗi khi được nhờ phân biệt sắc thái của hai từ đồng nghĩa, giải thích gãy gọn xong mình cũng phải ngạc nhiên: ủa sao mình nói như thánh vậy???
Gửi tới tất cả những người đã từng thất vọng về câu trả lời của mình, bài này mình xin cố gắng hết sức để chuộc lỗi với các bạn bằng cách cố gắng lý giải điều đã giúp mình học được tiếng Anh. Bài có thể có những quan điểm khác với nhiều người, nhưng là quan điểm cá nhân của mình dựa trên quan sát và chiêm nghiệm về hành trình học ngôn ngữ của bản thân. Vì vậy, nếu bạn có thể giữ một cái nhìn đa chiều, sẵn sàng chấp nhận mọi sự khác biệt thì ta bắt đầu nhé…
Sự B.Ạ.O L.Ự.C của việc học tiếng Anh
Hãy bắt đầu với Q., thạc sĩ, cựu giảng viên tại một trường đại học hàng đầu về ngôn ngữ, hiện đang học về giáo dục tại châu Âu. Dù đã từng dạy tiếng Anh ở trường đại học và các trung tâm ở Việt Nam, Q. nói với mình rằng em không muốn tiếp tục dạy tiếng Anh nữa bởi vì NÓ THỰC SỰ RẤT B.Ạ.O L.Ự.C. Đó là vì việc phổ cập tiếng Anh trên toàn cầu, cũng giống như đồng đ.ô l.a, là một phương tiện đ.ô h.ộ không s.úng ố.ng của chủ nghĩa TB.
Rất tiếc nếu bạn phải cau mày khi đọc đến đây. Là một người tủn mủn, rất sợ nói những chuyện to đùng như thế và ngại tranh cãi nên mình sẽ không bàn thêm về việc này trên phương diện vĩ mô. Tuy nhiên, khi liên hệ quan điểm của Q. trên bình diện cá nhân, mình thực sự đã hiểu ra “bí quyết” học tiếng Anh của bản thân.
Đầu tiên, hãy thử nhìn lại xem chúng ta và con cái chúng ta đang học tiếng Anh như thế nào. Bản thân việc học một ngôn ngữ không hề xấu. Nó mang lại cho chúng ta những hiểu biết mới, có cái nhìn đa chiều và khả năng đồng cảm – kết nối với đồng loại ở những dân tộc khác. Thế nhưng chúng ta có học tiếng Anh vì những điều đẹp đẽ ấy không? Thường thì không. Chúng ta học bằng nỗi sợ thất bại, sợ bị cả thế giới bỏ lại, sợ không có việc làm. Đó là một cái bẫy của TB mà phần lớn chúng ta, dù không nhận ra, vẫn phải ngoan ngoãn tự nguyện rơi xuống.
Để có thể xin được công việc tốt, ở những tập đoàn lớn, để có thể đi du học, để có “tương lai tươi sáng”, chúng ta lao vào tiếng Anh trong sợ hãi. Để đảm bảo con “không thiệt thòi với các bạn”, chúng ta sẵn sàng chi trả nhiều triệu đồng cho những k.hoá h.ọc từ khi con 3 tuổi thậm chí bé hơn. Trong cuộc nói chuyện “1 giờ cùng T.”, một người mẹ kể với mình rằng bản thân bạn từng gặp khó khăn khi xin việc vì không giỏi tiếng Anh nên bạn quyết tâm đầu tư cho con đi học thêm, mua cả ứng dụng trên điện thoại mà con không chịu học, còn mẹ thì stress.
Và mình nhận ra “bí quyết” thực sự của mình không có gì cao siêu, mà chỉ rất chân thật. Đó là:
Mình coi tiếng Anh là mục đích cuối cùng của việc học, chứ không phải phương tiện kiếm tiền, kiếm danh hiệu, kiếm sự ghi nhận của người khác. Nghĩa là, mình học tiếng Anh bằng chính niềm vui được học, được khám phá, được thấm nhuần một ngôn ngữ khác (bình đẳng với ngôn ngữ mẹ đẻ của mình), được hiểu về cách tư duy và giao tiếp của một dân tộc khác.
Nếu bí quyết này có vẻ trừu tượng quá, thì hãy cùng làm rõ hơn bằng 4 điều dưới đây.
1. Hiểu về sự bình đẳng giữa các ngôn ngữ
Hồi 2012, mình đi thực tập tại Nhật và được một nhóm sinh viên của trường đại học Saint Paul Tokyo giúp đỡ. Trong đó người chịu trách nhiệm chính “chăm sóc” cho mình là Ayaka, con của một giáo sư đại học và sống ở nước ngoài từ nhỏ nên nói tiếng Anh rất tốt.
Một lần, mình tiện đường ghé thăm Ayaka trong quán cà phê mà bạn làm thêm. Trong quán không có ai có ai ngoài một người “tiền bối” (người nhiều tuổi hơn và đã làm ở quán lâu hơn) của Ayaka . Chúng mình trò chuyện vui vẻ bằng tiếng Anh rồi mình ra về. Hôm sau gặp lại, Ayaka nói: “Cảm ơn vì cậu đã ghé thăm tớ hôm nọ. Cậu biết không, tiền bối của tớ vốn rất hay “thái độ” với tớ, nhưng từ hôm đó chị ấy đã phải nhìn tớ bằng con mắt khác. Chị ấy không hề biết tớ có thể nói tiếng Anh tốt thế.”
Lúc đó, mình chợt nhận ra rằng đến cả người Nhật Bản – một cường quốc hàng đầu – cũng mang trong mình cảm giác yếm thế, coi tiếng Anh là thứ ngôn ngữ được trọng vọng, là một thứ mác mà người ta mang để được đánh giá cao hơn.
Cũng chính vì coi tiếng Anh là một công cụ chẳng kém gì quân bài 3 bích nên chúng ta cứ bắt mình phải học rồi lại thôi, quyết tâm xong lại bỏ dở, bỏ nhiều tiền mua khoá học để bắt mình phải tiếc tiền mà cố gắng, v.v. Thường thì chúng ta sẽ thấy rất tệ, sợ học, cảm thấy mình thất bại, không hiểu tại sao tiếng Anh lại khó nhằn như vậy và thế là hết. Kể cả những người tự kỷ luật tốt, tự thúc ép được bản thân để học đều đặn nhưng vẫn mang tâm thế học trong sợ hãi, thì thực sự đều rất thiệt thòi. Thiệt thòi, bởi vì chúng ta bị doạ thành ra sợ hãi một công việc vốn mang lại niềm vui. Chúng ta không được trải nghiệm niềm vui của việc hiểu được một ngôn ngữ khác, niềm vui được tư duy đa chiều bằng cách tư duy của một dân tộc khác.
Vậy thì, muốn học tốt một ngôn ngữ, trước tiên hãy hiểu nó BÌNH ĐẲNG như bất kỳ ngôn ngữ nào khác trên thế giới. Chúng ta là bình đẳng. Tôi học tiếng nước bạn không phải vì nước bạn hơn gì nước tôi. Đơn giản là tôi muốn được kết nối với bạn, được hiểu lối tư duy, tình cảm và cách nhìn cuộc đời của bạn, để có cái nhìn đa chiều hơn về thế giới này.
2. Bắt đầu bằng tính sống động của ngôn ngữ
Khi ai đó muốn học tiếng Anh, họ thường bắt đầu bằng việc học ngữ pháp: một công thức giống như trong các môn khoa học tự nhiên, sau đó lắp từ ngữ vào để thành câu. Cách này giống như tiếp cận một vấn đề từ ngọn. Bởi vì muốn học theo cách tự nhiên từ gốc, bạn cứ nhìn cách một đứa trẻ học nói ngôn ngữ mẹ đẻ: nó có bắt đầu bằng việc học ngữ pháp không? Không, 1- 2 năm đầu đời nó sẽ chỉ nghe, cảm nhận từ cuộc sống thực xung quanh nó cho tới khi đủ khả năng để bật ra thành lời.
Để thực sự học một ngôn ngữ, cần phải bắt đầu từ sự sống động của nó. Gặp những người bản xứ bằng xương bằng thịt, xem họ nói chuyện, làm việc trong đời sống thực. Nghe một bài hát, đọc một bài thơ. Xin đừng vin vào câu chữ để bắt bẻ mình rằng làm sao mà có điều kiện gặp người bản xứ. Đúng, vậy ta tìm cách xem video, xem phim, đọc sách về họ mỗi ngày. Miễn sao ta học tiếng Anh trong ngữ cảnh, cuộc sống thực của người Anh.
Khi đã được đắm mình trong sự sống động của ngôn ngữ rồi, cảm được nó bằng trực giác và trái tim rồi, thì hãy học tiếp tới các yếu tố “kỹ thuật” như cấu trúc ngữ pháp, quy tắc, v.v. Đặc biệt là nếu muốn dạy con, hãy dạy chúng những bài hát thiếu nhi dân gian của họ. Dạy con tên của một loài vật, đồ vật, hãy dạy con trong chính đời sống thực, để con cảm nhận được sự sống động của ngôn từ. Nghĩa là thay vì flash card hay app, hãy gọi tên tiếng Anh của chính những đồ vật trong nhà, chỉ cho con cái cây, con gà, con ong mỗi khi con nhìn thấy và nói bằng tiếng Anh, để những hình ảnh sống động đó ghi lại thật sâu sắc trong nhận thức của trẻ.
Nếu có đọc sách, hãy cố gắng chọn những cuốn trình bày đơn giản, đẹp kiểu dễ chịu, gần nhất với tự nhiên, không quá nhiều thông tin trong mỗi trang, để dành không gian cho trẻ cảm nhận về ngôn ngữ khi bạn đọc lên. Tránh những cuốn quá nhiều màu sắc sặc sỡ, trong đó đường nét, hình ảnh, thông tin chen chúc nhau, bởi sẽ khiến trẻ bị quá kích thích thị giác và khó tập trung.
Một điều nữa, trẻ con rất thích sự lặp lại, bởi nó tạo cho trẻ cảm giác an toàn, đồng thời giúp trẻ học bằng cách bắt chước. Đó là lý do vì sao trẻ con hay đòi bạn đọc đi đọc lại một cuốn sách hoặc chơi đi chơi lại một trò chơi. Đừng đổi sách liên tục vì sợ con nhàm chán. Hãy chọn một đôi quyển và đọc cho con hằng ngày.
3. Buông bỏ nỗi sợ và mong cầu
Trong một lần nói chuyện vui vui, đồng nghiệp cũ bảo mình: “Xem clip mẹ con cậu đọc sách tiếng Việt bằng tiếng Anh mà áp lực quá”. Câu nói nửa đùa nửa thật nhưng cũng làm mình chột dạ. Đó là một cuốn sách con vật bằng tiếng Việt, nhưng đọc mãi bằng tiếng Việt con bắt đầu chán, mình nảy ra ý định đọc bằng tiếng Anh. Nó giống như một trò chơi đố vui mới mẻ và bọn trẻ hào hứng tham gia, nhưng khi đăng lên thì ít nhiều có lẽ đã gây áp lực cho mọi người. Từ đó, mình không bao giờ đăng những video kiểu vậy nữa.
Hồi bắt đầu viết về giáo dục, đã có lần mình hồn nhiên viết rằng: trong thời đại này, để con tự tin trở thành công dân toàn cầu thì nhất định phải giỏi tiếng Anh. Suy nghĩ của mình bây giờ đã khác. Trong thế giới biến động khôn lường này, điều quý nhất mà mình có thể dạy cho con là giữ chặt kết nối với chính mình. Có được mối dây kết nối này, dù đứng trước khó khăn gì con vẫn biết sống đúng và trọn vẹn với những giá trị và tiềm năng mà mình sẵn có.
Việc học ngoại ngữ cũng vậy. Thôi học vì sợ hãi, vì mong đạt được một cái gì khác. Chỉ học vì mình thực sự muốn biết, muốn hiểu, muốn yêu nó. Chỉ học vì niềm vui khởi phát trong chính mình mỗi lần được tiếp xúc với những chân trời mới.
Điều này lại càng đúng nếu bạn muốn con học giỏi tiếng Anh. Hãy từ bỏ kỳ vọng con phải nói như người bản xứ, phải đạt chứng chỉ này kia. Và đặc biệt, tuyệt đối đừng thúc ép con bằng nỗi sợ: “không học thì sau này đi hót phân”, “nhìn bạn A kia kìa”,… Hãy cho con thấy niềm vui của việc được hiểu một ngôn ngữ mới, một nền văn hoá mới và nương theo tốc độ, xu hướng phát triển của con.
4. Học chậm thôi
Mình đã từng rất tự hào về bản thân khi có thể học tiếng Nhật cấp tốc: từ con số 0 lên N3 sau 8 tháng, lên N2 sau 12 tháng. Không thể phủ nhận rằng đó là một nỗ lực lớn của cô giáo dạy và bản thân mình. Nó cũng mang lại cho mình quyền lựa chọn những công việc tốt sau khi tốt nghiệp đại học. Thế nhưng, đó cũng chính là thiệt thòi lớn nhất của mình vì đã mất đi cơ hội học tiếng Nhật một cách chậm rãi và tự nhiên như cách mình đã từng học tiếng Anh. Kết quả là, dù có thể đạt được điểm số đủ đỗ chứng chỉ, nhưng đến giờ mình vẫn chưa có cơ hội được thấm nhuần tiếng Nhật theo cách mà mình muốn. Mình có thể thuộc chữ Hán, biết ngữ pháp, đọc tốt nhưng nghe nói thì rất lơ mơ.
Thế có nghĩa là học cấp tốc không có gì xấu, nó thực sự hữu ích khi bạn cần chứng chỉ để hoàn thành một mục tiêu. Nhưng để thực sự GIỎI một ngôn ngữ mới, hãy cho phép mình đi chậm thôi, nhưng đều đặn. Để ngôn ngữ thực sự “thấm” chứ không phải bị “nhồi” vào người.
—-
Bài dài nhưng toàn là những lời chân thành mà cân nhắc rất lâu mình mới viết ra. Mong rằng đâu đó có thể giúp được những bạn còn đang trong mối quan hệ yêu – ghét nhập nhằng với việc học tiếng Anh nói riêng và ngôn ngữ nói chung.
Nguồn: mindfullyt.com