SEO Search Intent – Bạn biết gì về ý định tìm kiếm của người dùng?
# SEO – Bạn biết gì về ý định tìm kiếm của người dùng?…
Ẩn sau mỗi từ khóa là một “ý định” tìm kiếm
Khi bắt tay vào nghiên cứu từ khóa, bạn hãy thử đặt mình vào vị trí của khách hàng để tìm hiểu ý định thật sự ẩn sau từ khóa mà họ tìm kiếm là gì.
Chẳng hạn như, bạn sẽ mong nhìn thấy nội dung gì khi tìm kiếm từ khóa “nên đi du học Úc hay New Zealand”?
Có phải là một bài viết phân tích tất cả những khía cạnh liên quan của hai quốc gia này?
- * Hệ thống giáo dục, xếp hạng
- * Khí hậu và văn hóa
- * Học phí và chi phí sinh hoạt
- * Học bổng ra sao?
- * Cơ hội làm thêm trong thời gian học
- * Xin visa dễ hay khó?
- * Chính sách việc làm sau tốt nghiệp như thế nào?
Hay một bài về công ty du học nào đó có dịch vụ làm hồ sơ cho hai quốc gia này?
Hoặc lấy ví dụ về “nước tẩy trang giá rẻ”, có phải bạn muốn Google hiển thị thông tin về TOP 10 loại nước tẩy trang với đầy đủ nội dung về giá, tính năng và đánh giá của các khách hàng khác?
Việc xác định đúng ý định tìm kiếm giúp bạn cung cấp nội dung phù hợp, chính xác với ý định của người dùng. Từ đó, tập trung xây dựng những chủ đề giải quyết nhu cầu của họ.
Nếu bạn lựa chọn đúng từ khóa chứa ý định mua hàng, tỷ lệ chuyển đổi sẽ càng tăng.
## 04 loại “ý định” tìm kiếm (Search Intent) thông dụng bạn cần biết:
**Thông tin (Informational)**
Rất nhiều tìm kiếm trên internet được thực hiện bởi những người tìm kiếm thông tin. Đó có thể là thông tin về thời tiết, thông tin về giáo dục trẻ em, thông tin về SEO, v.v.
Những người có ý định tìm kiếm vì mục đích thông tin thường có một câu hỏi cụ thể hoặc muốn biết thêm về một chủ đề nhất định.
Bạn cần biết rằng sự hiểu biết của Google đối với ý định đã vượt xa so với việc chỉ đơn giản cung cấp kết quả cho một cụm từ cụ thể.
Chẳng hạn, nó biết rằng những người tìm kiếm [sốt cà chua] rất có thể đang tìm kiếm công thức nấu ăn chứ không phải lịch sử ra đời của loại nước sốt đó.
**Điều hướng (Navigational)**
Ý định của loại tìm kiếm này là để truy cập 1 trang web cụ thể. Và bạn cần đảm bảo khi ai đó tìm kiếm trang web doanh nghiệp/dịch vụ của bạn thì họ có thể tìm thấy ngay.
Ví dụ, mình có trang blog cá nhân là vietlachcungchou chẳng hạn, thì khi người khác tìm kiếm cụm từ “viết lách cùng chou” trên Google thì trang web của mình phải được tìm thấy.
Tuy nhiên, việc xếp hạng cao cho một cụm từ điều hướng chủ yếu có lợi nếu trang web của bạn là trang web mà mọi người đang tìm kiếm.
**Giao dịch (Transactional)**
Ý định tìm kiếm lúc này là để mua hàng. Họ đã biết chính xác những gì muốn mua và chỉ muốn truy cập trang sản phẩm đó ngay lập tức.
Lúc này tìm kiếm của họ thường gồm tên sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể như địa điểm mua, giá là bao nhiêu và các chương trình khuyến mãi ra sao.
**Điều tra thương mại (Commercial)**
Loại search intent này được thực hiện khi người dùng đang phân vân giữa các thương hiệu hoặc sản phẩm khác nhau, vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng sẽ lựa chọn cái nào.
Nó giống như ví dụ về việc “nên đi du học Úc hay New Zealand” mà mình đã đề cập ở trên.
Những người này cũng có ý định giao dịch nhưng cần thêm thời gian và sự thuyết phục.
Một số loại search intent khác
- local intent (địa điểm),
- visual intent (hình ảnh liên quan),
- video intent (video liên quan),
- answer intent (thông thường kết quả trả về nằm ở featured snippet),…
## Một vài từ khóa thường dùng cho từng loại Search Intent
- Informational: Là ai, là gì, ở đâu, như thế nào, tại sao, hướng dẫn, phương pháp/cách làm/tips,…
- Navigational: Tên thương hiệu – Tên sản phẩm – Tên dịch vụ
- Transactional: Giá bao nhiêu, mua/bán/thuê, sản phẩm + vị trí địa lý, đặt mua, đặt hàng, giá rẻ/giá tốt/giá dưới, khuyến mãi,….
- Commercial investigation: So sánh, đánh giá, top, rẻ nhất, tốt nhất,…
#vietlachcungchou
Source: https://www.facebook.com/groups/694448869072600/permalink/886351656548986
Xem thêm :