[TUT] Cách Kéo 23.279 Visits Từ Google US Tới Niche Site Amazon Chỉ Với Các Từ Khóa 0 Search Volume!
[TUT] Cách Kéo 23.279 Visits Từ Google US Tới Niche Site Amazon Chỉ Với Các Từ Khóa 0 Search Volume!
Chào bạn,
Trong quá trình chọn từ khóa SEO cho niche site Amazon, đã bao giờ bạn gặp những từ khóa 0 search volume chưa?
Ví dụ như thế này:
(Chú thích: ở đây mình dùng công cụ keyword everywhere cho Chrome để hiện search volume)
Hẳn là cũng nhiều rồi, phải không?
Đó là những từ khóa vẫn được Google gợi ý.
Nhưng đáng buồn là các tool thống kê lại hiện một số 0 tròn trĩnh ở phần search volume ?
Tức là trên “giấy tờ”, chẳng có ai tìm kiếm với từ khóa đó trên Google cả.
Bạn sẽ quyết định ra sao ở tình huống này?
Vẫn chọn từ khóa để viết bài?
Hay sẽ bỏ qua luôn không để tâm?
Mình tin phần lớn là sẽ không để tâm và bỏ qua.
“Vì 0 search volume thì lên top cũng có ai search đâu, phải không?”
Và chẳng phải ngoài kia các “chuyên gia” vẫn ra rả rằng bạn nên chọn các từ search volume cao để SEO top thì mới có traffic và ra tiền đấy sao?
Nhưng hôm nay mình ở đây là để cho bạn thấy một góc nhìn khác của vấn đề.
Nghịch lý của search volume và SEO traffic
Đây là chỉ số của top 10 bài viết của 1 niche site của mình trong 3 tháng qua.
Hãy nhìn cột “số lần truy cập”, “số lần xem trang”, và “thời gian trung bình trên trang”.
Không tệ phải không?
Tất cả đều là traffic quốc tế, và 65-70% là từ Google.com (phiên bản US).
Nhưng hay ở chỗ, đó là cả 10 từ khóa này ban đầu mình đều chọn phát triển dựa trên 10 từ khóa có search volume là 0!
OK, thật ra có 1-2 từ search volume 10, nhưng cũng có khá hơn gì đâu :))
“Vậy ở đâu ra mà lắm người xem với lượt truy cập đến như vậy!?“
Mình có thể hiểu được thắc mắc của bạn.
Vì nói thật là trước đây khi xem báo cáo trang, CHÍNH MÌNH cũng bị bất ngờ!
Lúc ấy mình cũng không hiểu tại sao các từ khóa đó lại có thể mang về nhiều traffic đến như vậy.
Vì ban đầu mục đích của mình chỉ là phát triển nội dung để niche site trông “đầy đặn” hơn trước khi post bài affiliate và đi link.
Tuy nhiên, sau đó dần dần, mình đã từng bước hiểu và tìm ra lý do.
Và trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ cách làm đó cùng bạn.
Ổn chứ?
OK, trước khi tiếp tục, mình bonus thêm quả proof này nữa.
Để bạn khỏi thắc mắc:
“Thế cách này làm được với Amazon niche site trên Google.com, thì có làm được trên Google.com.vn ở Việt Nam không?“
OK, đây là từ khóa mình từng chọn cho 1 site của mình trước đây (site bán hàng ecommerce).
Và đây là traffic đến bài viết đó nói riêng trong khoảng tầm 3 năm qua.
30,980 lượt truy cập, với 32.708 lượt xem trang, và thời gian trung bình trên trang là 4 phút 31 giây.
Và quái dị hơn nữa là nó đạt đỉnh 246 lượt xem trong TRONG 1 NGÀY 26/11/2017!
Tất cả đến từ SEO, mình không động chút nào tới Facebook hay ads cho bài viết này.
Không tệ với 1 từ khóa 0 search volume, phải không?
Và trước khi đi vào các bước cụ thể để CHÍNH BẠN cũng có thể có được những kết quả như vậy, mình cần giải thích rõ một số vấn đề.
Bạn hãy đọc kỹ phần tiếp theo để hiểu được bản chất của vấn đề nhé.
Vì sao lại có hiện tượng “kỳ quái” này?
Để trả lời cho câu hỏi này, mình sẽ nêu một số ý chính sau để bạn được hiểu rõ hơn.
1) 15% từ khóa được tìm kiếm trên Google hàng ngày là mới hoàn toàn và chưa từng được sử dụng trước đó
Chính Google đã xác nhận thông tin này với Search Engine Land trước đây.
Năm 2013, Google xử lý hơn 2.3 ngàn tỷ lượt tìm kiếm.
Nếu bạn chưa hình dung ra thì đó là hơn 2.300.000.000.000 lượt tìm kiếm trong năm 2013!
Nhiều số 0 quá phải không ?
Mà đó là còn từ năm 2013 đấy nhé.
Bây giờ thì không biết nó còn khủng khiếp đến thế nào!
Vậy 15% của con số đó bạn cũng có thể tượng tượng nó lớn ra sao.
Lý do là bởi mỗi người khi tìm kiếm cùng một chủ đề có thể dùng các cách diễn đạt khác nhau.
Và nhiệm vụ của Google hay bất kỳ cỗ máy tìm kiếm nào khác là phải hiểu và xử lý được lượng tìm kiếm khổng lồ đó.
Người dùng có thể có cách diễn đạt khác nhau.
NHƯNG chắc chắn họ muốn cùng 1 câu trả lời cho câu hỏi của họ.
Và đó chính là công việc của Google.
Tiếp theo…
2) Google đang ngày càng thông minh và hoàn thiện hơn
Trung bình mỗi ngày, thuật toán của Google được cập nhật khoảng 2 lần.
Cứ như vậy trong suốt cả chục năm qua.
Và mỗi năm, sẽ có những đợt cập nhật lớn có thể ảnh hưởng sâu rộng tới rất nhiều các website, ngành nghề, kết quả tìm kiếm trên khắp thế giới.
Và với những bản cập nhật lớn như Hummingbird, hay gần đây là BERT với sự hoàn thiện hơn của NLP (Natural Language Processing – kỹ thuật xử lý ngôn ngữ tự nhiên), Google đang ngày càng hướng đến việc thật sự hiểu được ngôn ngữ của con người.
Như cái cách bạn hiểu mình đang nói gì vậy.
Đơn giản bởi với sự phát triển của các thiết bị thông minh, voice search hay tìm kiếm bằng giọng nói đang ngày càng phổ biến hơn.
Và tất nhiên, khi nói, bạn sẽ không muốn nói theo kiểu “từ khóa” mà sẽ diễn đạt nguyên cả một câu hoàn chỉnh phải không?
Nếu Google không hiểu được những ngữ nghĩa diễn đạt tự nhiên đó, nó sẽ không thể trả về đúng được các kết quả người dùng muốn tìm thấy.
Và đó sẽ là mối nguy lớn cho sự phát triển lâu dài của Google trong tương lai.
Và cuối cùng…
3) Các công cụ thống kê lượng tìm kiếm (search volume) chỉ mang tính tham khảo chứ không chính xác
Sự thật đó là những con số bạn nhìn thấy từ Keyword everywhere hay bất kỳ công cụ thống kê search volume nào đều chỉ mang tính tham khảo.
Lý do tại sao khi dùng nhiều tool khác nhau, bạn sẽ thấy mỗi tool trả lại cho bạn một con số.
Khi dùng keyword everywhere thì có thể là 320.
Nhưng khi đổi sang Ubersuggest, nó lại là 480 chẳng hạn.
Vậy tại sao lại có sự sai lệch này?
Đơn giản bởi mỗi tool sẽ lấy “đầu vào” từ các bên khác nhau để hiển thị con số cho bạn.
Và nếu đầu vào khác nhau thì đầu ra khác nhau cũng là điều dễ hiểu.
Một vấn đề nữa bạn cần quan tâm đó là nhiều từ khóa còn có cả tính mùa vụ (seasonality).
Và các công cụ thống kê THƯỜNG lấy con số TRUNG BÌNH của lượng tìm kiếm trong 1 năm để hiển thị cho bạn.
Ví dụ:
Từ khóa “valentine chocolate” có lượng tìm kiếm hàng tháng được Keyword everywhere thống kê là 12.100
Không tệ phải không?
Nhưng chỉ nghe thôi, bạn cũng có thể hiểu từ khóa này chỉ thật sự hot vào mùa valentine mà thôi.
Còn ngoài ra thì có ma nào tìm kiếm đâu, phải không?
Và biểu đồ Google Trends của từ khóa chính là minh chứng rõ ràng nhất.
Vậy ý mình muốn nói ở đây là gì?
Đó là các con số bạn nhìn thấy chỉ mang tính tham khảo, và hãy luôn ghi nhớ tính “thời vụ” của từ khóa trong đầu khi chọn keyword để viết bài.
Vậy tóm lại 3 ý trên là gì?
Với 3 ý trên, mình muốn giải thích phần nào lý do tại sao các từ khóa 0 search volume lại có thể mang lại nhiều traffic tới vậy cho các bài viết.
Đơn giản bởi:
Thứ 1: Mọi người không chỉ dùng 1 từ khóa đề tìm kiếm về 1 chủ đề nào đó, mà mỗi người sẽ có cách diễn đạt khác nhau, dẫn đến từ khóa sử dụng cũng sẽ khác nhau.
Và từ khóa mà bạn check chỉ có 0 search volume đó chỉ là 1 trong cả ngàn cách diễn đạt khác nhau đó mà thôi.
Tất nhiên, kết quả mà Google trả về vẫn phải là như nhau.
Thứ 2: Google đang ngày càng thông minh và có thể hiểu rõ hơn người dùng đang muốn “trao đổi” điều gì với nó.
Và khi đã hiểu rõ hơn thì Google sẽ có khả năng mang các kết quả liên quan hơn trả về cho người dùng khi tìm kiếm.
Thử tưởng tượng, trước đây bạn có 1 bài viết về chủ đề “cách trồng cây xương rồng” đi.
Nhưng rất tiếc, trước đây, thuật toán của Google chưa đủ mạnh.
Nên mặc dù đúng ra bài viết rất hay ho đó của bạn phải được đứng top cho rất nhiều từ khóa liên quan, nhưng điều đó đã không xảy ra.
Còn giờ đây, khi Google đã thông minh hơn, nó HIỂU bài viết của bạn là 1 bài rất xuất sắc, rất liên quan, và trả lời được rất nhiều câu hỏi cho người dùng.
Do đó, Google quyết định “thưởng” cho bạn bằng cách xếp bạn đứng top 1 hàng loạt từ khóa liên quan mà trước đây bạn chỉ được xếp ở trang 2-3 hoặc thấp hơn.
Và chính việc được xếp top cao hơn đó mang lại lượng traffic đáng kể cho bài viết.
Thứ 3: Các con số bạn nhìn thấy chỉ mang tính tham khảo
Với mình, kể cả nếu từ khóa chỉ hiện 0-10 search volume hàng tháng, mình vẫn chọn.
Miễn từ khóa đó được Google gợi ý khi gõ vào.
Thậm chí ngay cả với các từ khóa không được gợi ý, mình vẫn sẽ chọn (cái này cần tiêu chí riêng và mình sẽ chia sẻ trong bài sau).
Và có một điều rất hay, đó là các từ khóa đó thường rất dễ SEO top.
Nhiều khi chỉ cần đăng bài, onpage xong cho index là đã vào top 10 ngay rồi.
Bạn không tin ư?
Cứ thử đi rồi sẽ biết ?
Chính vì không tốn nhiều công sức như vậy nên mình vẫn rất thích nhắm tới các từ khóa dạng này.
Vậy làm thế nào để kéo được cả chục ngàn visit chỉ với các từ khóa 0 search volume này?
OK, bây giờ là đến giờ thực hành ?
Mình sẽ hướng dẫn bạn qua 3 bước cụ thể.
Bước 1: Chọn từ khóa thích hợp
“Thích hợp” ở đây là như thế nào?
Sau rất nhiều lần thử nghiệm và quan sát, đây là các tiêu chí chính mình lựa chọn.
Lưu ý rằng đây KHÔNG PHẢI là công thức chính xác 100%!
Tất cả chỉ là gợi ý, và việc áp dụng có đôi lúc không mang lại nhiều kết quả như mình dự đoán ban đầu.
Tuy nhiên, kết quả vẫn là rất tốt nếu so sánh với phần nhỏ công sức mình phải bỏ ra để phát triển các bài nội dung đó.
Và hãy nhớ rằng, thà bạn có 1 bài nội dung mới để update cho website còn hơn là không có bài nội dung nào.
Tất nhiên, bài viết phải tốt chứ không phải “rác” nhé.
Đầu tiên, từ khóa đó NÊN là dạng câu hỏi.
Và tiếp theo, từ khóa đó PHẢI được Google gợi ý thêm nhiều từ khóa liên quan khác MÀ VẪN PHẢI VỀ CÙNG 1 CHỦ ĐỀ.
Ý sau rất quan trọng, bạn hãy ghi nhớ điều đó.
Mình sẽ tiếp tục với ví dụ ban đầu.
Đó là từ khóa “how to properly sleep on your shoulder”.
Với từ khóa này, Google cho mình 2 phần gợi ý quan trọng trên trang 1.
Đó là “People also ask” (các câu hỏi mọi người thường hỏi), và “Searches related to” (các từ khóa liên quan cùng chủ đề).
Hãy chú ý tới các câu hỏi mình khoanh đỏ.
(Lưu ý, để ra được nhiều câu hỏi như thế này, bạn hãy bấm vào các câu hỏi liên quan ban đầu, Google sẽ hiển thị thêm các câu hỏi gợi ý khác cho bạn)
Đó chính là các vấn đề mà người dùng lưu tâm về cùng chủ đề của từ khóa “how to properly sleep on your shoulder” ban đầu.
Cách diễn đạt của họ có thể khác đi một chút.
Họ cũng có thể có những vấn đề hơi khác biệt nhau.
Nhưng tựu chung lại, người dùng đang tìm kiếm về cùng một chủ đề, và Google hiểu điều đó.
Tiếp theo, hãy quan sát phần “Searches related to” ở dưới cùng của trang 1:
Một lần nữa, Google cho bạn thấy các từ khóa rất liên quan tới từ khóa ban đầu.
Và đây chính là các “biến thể” hay cách diễn đạt khác mà người dùng sử dụng khi tìm câu trả lời cho vấn đề của họ.
Với Google.com.vn và các từ khóa tiếng Việt, hiện tại mình không thấy có phần “People also ask” xuất hiện nhiều.
Do đó, để chắc ăn, bạn có thể dựa vào kết quả gợi ý Google suggest khi gõ từ khóa vào:
Và phần “Các tìm kiếm liên quan” ở dưới cùng trang 1:
Chính các gợi ý này cho bạn thấy rằng đây là một “nhóm từ khóa” liên quan chặt chẽ với nhau về mặt ý nghĩa, thay vì chỉ là một từ khóa đơn lẻ.
Và việc phát triển một bài nội dung mới cho cả nhóm từ khóa này KHẢ NĂNG CAO sẽ mang lại rất nhiều traffic cho site của bạn, bất chấp từ khóa bạn chọn ban đầu không hề có search volume (như tool thống kê).
Vậy giờ đây sẽ có 1 câu hỏi, đó là:
“Mình nên chọn từ khóa nào làm từ khóa chính cho bài viết trong nhóm từ khóa đó?”
Một câu hỏi rất xác đáng.
Và mình khuyên bạn đó là đừng quá bận tâm.
Bởi một khi bạn đã lên top cho 1 từ thì các từ liên quan khác cũng sẽ lên theo ngay thôi.
Vì thật ra chúng gần như là một, chỉ khác cách diễn đạt mà thôi.
Giống như mình khi làm với niche site trước đây của mình vậy.
Mình chọn từ khóa rất ngẫu nhiên và vô tình khám phá ra phương pháp này.
Thậm chí ban đầu mình còn chẳng biết các từ khóa đó có rất nhiều từ và câu hỏi liên quan.
Chỉ đến khi làm xong và thấy điều “bất thường”, mình mới quay ngược lại để tìm nguyên nhân và rút ra kết luận trên ?
Bước 2: Cách phát triển bài nội dung dựa trên bộ từ khóa đã chọn
OK, vậy là giờ bạn đã chọn được một từ khóa ưng ý để phát triển nội dung.
Tiếp theo bạn cần làm gì đây?
Nếu bạn đã từng đọc bài hướng dẫn này của mình trước đây, bạn sẽ biết các bước cơ bản cần thiết
Về cơ bản, đây là các bước bạn cần thực hiện:
- Liệt kê các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với bạn về mặt nội dung trên trang 1
- Tổng hợp các ý chính trong phần nội dung mà đối thủ đang đề cập
- Tìm thêm các ý nội dung / câu hỏi khác để bổ sung thêm vào dàn bài cho đầy đủ hơn, mục đích là khiến bài nội dung sau này của bạn trở thành bài đầy đủ và hoàn thiện nhất cho chủ đề từ khóa
Bạn có thể thêm hình ảnh, video Youtube để minh họa, infographic nếu cần…
Lưu ý hạn chế ảnh độ phân giải cao và chèn quá nhiều video có thể làm trang load chậm, gây ảnh hưởng thứ hạng trên Google nhé.
Còn về số lượng từ cho bài viết, bạn nên lấy con số trung bình của các đối thủ đang cạnh tranh trực tiếp với bạn trên top làm mục tiêu.
Và đặc biệt, bạn nên thêm chính những câu hỏi bạn thấy được trong phần “People also ask” vào bài với mục FAQ’s (Frequently Asked Questions) để kéo thêm thật nhiều traffic từ long tail keyword.
Vì bài hướng dẫn kia mình đã nói rất chi tiết, nên ở đây mình sẽ không diễn giải gì thêm nữa.
Bạn có thể tham khảo bài viết hướng dẫn cách viết nội dung của mình tại đây.
Bước 3: Chờ đợi và bắt đầu gặt hái thành quả
Như mình đã chia sẻ ở trên, không có gì là tuyệt đối 100% với SEO và niche site cả.
Kể cả phương pháp này cũng vậy thôi.
Nhưng nếu làm đúng, KHẢ NĂNG CAO là bạn sẽ có những kết quả tương tự như mình đã làm được với các website của mình.
Thông thường, sau từ 2 tuần đến 1 tháng trở đi, bạn sẽ thấy sự khác biệt.
Traffic sẽ tăng dần theo thời gian nếu bạn chăm sóc site tốt.
Vậy khi đã kéo được traffic nhiều như vậy về site rồi thì làm sao để ra được $$$?
Đơn giản thôi, bạn có thể tạo form pop up để lấy email, xây dựng email list.
Hoặc cài Adsense hay tham gia các Ad network khác để kiếm tiền với quảng cáo hiển thị.
Còn với mình, khi làm niche site Amazon, mình thường sử dụng Amazon native ads để kiếm sale từ traffic đó.
Và đây là một ví dụ điển hình của Amazon native ads:
Hiểu đơn giản, nó cũng là một dạng quảng cáo hiển thị nhưng sẽ là hiển thị các sản phẩm được bán trên Amazon.
Và khi người dùng click các sản phẩm đó và mua hàng, bạn sẽ được hoa hồng như bình thường ?
Setup cái này chỉ mất chưa đến 1p sau khi bạn đã có tài khoản Amazon.
Và khi bài viết đã có traffic, đây sẽ là một kênh kiếm tiền tương đối ổn cho các bài info trên site của bạn đấy!
Tất nhiên, tỷ lệ chuyển đổi sẽ không thể tốt bằng traffic tới từ các từ khóa affiliate dạng “best” hay “review”.
Nhưng cứ có thêm $$$ là thích rồi, phải không?
Tạm kết
OK, vậy là mình vừa hướng dẫn cho bạn 1 kỹ năng mới.
Đó là kéo thật nhiều traffic về niche site Amazon (hay bất kỳ site nào bạn đang SEO) thông qua các từ khóa chỉ có “0 search volume” mà cực dễ SEO top.
Hi vọng sau khi thực hành, bạn cũng sẽ có được những kết quả như mong muốn.
Đừng quên comment và chia sẻ giúp mình bài viết này nếu bạn thấy nó hữu ích nhé.
Hẹn gặp lại bạn trong các bài viết tới.
Nguồn: Duy Nguyễn blog
Trao đổi bạn đọc:
Châu Quốc Định: Những key trong “People also ask” và “Searches related to”, mình để đâu tốt nhất trong 1 bài post của mình vậy thầy? Và những key này để trong All in one SEO luôn được ko ạ?
Duy Nguyễn: Mình có thể đặt trong phần nội dung dưới dạng các subheading H2 câu hỏi với phần trả lời ngay bên dưới được ạ. Còn cho vào All in One SEO thì tùy vì SEO Title và description sẽ bị giới hạn ký tự. Mình nên viết sao cho các từ khóa xuất hiện càng đầy đủ càng tốt nhưng vẫn phải đọc tự nhiên a nhé
Châu Quốc Định: Anh thường dùng cách này trên Youtube, copy toàn bộ các key suggest vào thẻ tag, đặt title, Des, và đồng thời đi chia sẻ vài nơi khi có lượt xem trên 1 phút là có 1 vài key lên top 10 – 20, và cứ thế, các key copy từ suggest lần lượt lên top khi có lượt xem.
Sau đó, ngẫm nghĩ áp dụng cách này cho bên website được không? Và
ô hô a ha…
Đọc xong Bài trên của Thầy đã có đáp án luôn .
Thật tuyệt vời
Duy Nguyễn: Dạ vâng, để em áp dụng cho video Youtube luôn :)) cảm ơn anh đã chia sẻ ạ.
Huy: E chào a, như anh nói ở trên thì việc lựa chọn từ khoá chính cho nhóm từ khoá là không quan trọng, nhưng theo em thấy thì nhóm từ khoá này có SERP khác nhau (mức độ khó cũng khác nhau), vậy có nên chọn key chính là key có độ cạnh tranh trên SERP dễ nhất không ạ? Cảm ơn a
Duy Nguyễn: Chào Huy, như anh có chia sẻ thì việc chọn từ khóa cho nhóm từ long tail này không quá quan trọng vì thật ra các từ gần như không khác nhau nhiều về ý nghĩa. Còn về mức độ cạnh tranh, đúng là có thể có chút ít khác nhau, nhưng thường nếu lên 1 từ thì sẽ lên cho các từ còn lại. Nó sẽ không như kiểu em so sánh SERP của 2 từ khóa “đồng hồ nam” với “nam giới cổ tay nhỏ nên chọn loại đồng hồ nào”. 1 cái là head keyword cạnh tranh cao, 1 cái là long tail keyword cực dài. Do đó, em cứ chọn 1 từ mà em ưng ý rồi viết bài thôi, đừng nghĩ ngợi cân nhắc nhiều ?