5 Bước Đơn Giản Tự Viết Nội Dung Cho Site Amazon Affiliate Ngay Cả Khi Bạn Không Biết Phải Viết Như Thế Nào!

Xin chào,
Mình có một câu hỏi nhỏ muốn hỏi bạn.
Bạn có biết thường phần kinh phí nào cần đầu tư nhiều nhất khi phát triển website Amazon affiliate không?
Câu trả lời chính là content hay nội dung cho website!
Như với bên dịch vụ iWriter mình thuê viết từ lâu, mỗi bài viết 500 từ mình sẽ phải trả $6 cho bên dịch vụ.
Mỗi bài viết 1.000 từ sẽ là $11. Và 2.000 từ sẽ là $25.
Cứ thế tăng lên…
Con số không hề nhỏ, phải không?
Đặc biệt là với các bạn mới bắt đầu và chưa có nhiều kinh nghiệm thuê viết cũng như không có nhiều tiền để đầu tư ngay.
Vậy giải pháp ở đây là gì?
Đó là bạn sẽ phải tự viết các nội dung đó.
Và trong bài viết này, mình sẽ hướng dẫn bạn cách tự viết nội dung cho site Amazon affiliate ngay cả khi:
- Bạn chẳng biết gì về niche hay sản phẩm mình chọn
- Bạn cũng chưa từng một lần viết bài đăng web
- Đơn giản là bạn chẳng biết nên bắt đầu từ đâu
Đây cũng chính là quy trình mình từng dùng cho các site affiliate đời đầu của mình.
Vì khi bắt đầu, mình không hề có nhiều tiền để đầu tư.
Do đó, mình phải tự tìm cách để viết nội dung cho site của mình một cách nhanh và hiệu quả nhất.
OK chứ?
Vậy chúng ta sẽ bắt đầu với quy trình 5 bước dưới đây.
Bước 1: Nghiên cứu về niche và các thuật ngữ chuyên ngành của niche đó

Đây là bước quan trọng đầu tiên bạn sẽ cần làm.
Và trợ thủ đắc lực nhất của bạn sẽ chính là Google.
Ở bước này, bạn cần dành ít nhất 3-5 tiếng để đọc các nội dung liên quan đến niche và sản phẩm mà bạn chọn ban đầu để làm cho website.
Ví dụ: niche bạn chọn là “dogs” hay các loài chó nói chung (tương đối rộng đấy, nhưng đây là mình ví dụ thôi).
Và nhóm chủ đề nội dung bạn muốn tập trung viết đầu tiên là về loài chó German Shepherd (giống chó béc giê Đức).
Thì dưới đây là các từ khóa bạn nên sử dụng để tìm nội dung trên Google và đọc trước:
german shepherd (từ khóa nói chung, thường giải nghĩa và cung cấp các thông tin chung chung về chủ đề)
what to know about german shepherd (các bài giải đáp và hướng dẫn về chủ đề)
german shepherd glossary (các từ chuyên ngành về chủ đề)
…
Hoặc nếu chủ đề của bạn là về một dòng sản phẩm ví dụ xích chó điện tử (electronic dog collars), thì đây sẽ là các từ khóa bạn nên dùng:
what is an electronic dog collar (từ khóa giải nghĩa nói chung)
what to know about electronic dog collars (các bài giải đáp và hướng dẫn)
main parts of an electronic dog collar (cho bạn biết một sản phẩm thường gồm những gì)
…
Sau đó, bạn hãy chọn khoảng 7-10 bài nội dung mà bạn thấy chi tiết nhất và bắt đầu đọc!
Khi đọc, hãy lấy một cuốn sổ nhỏ hoặc mở một file Word để note lại những ý chính mà bạn thấy quan trọng.
Khi làm như vậy, bạn sẽ nhớ và hiểu hơn về chủ đề mình chọn thay vì chỉ đọc kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”.
Và sau khoảng 3-5 tiếng đọc và ghi chú liên tục, bạn sẽ dần trở nên hiểu biết hơn rất nhiều về chủ đề của mình.
Có thể bạn không tin.
Nhưng gần như đến lúc này, bạn đã có nhiều kiến thức để “chém gió” về mảng nội dung mà bạn chọn hơn rất nhiều người ngoài kia rồi đấy!
Kể cả những người thật sự sở hữu một chú chó béc giê, có khi họ không biết nhiều bằng bạn đâu
Và đó là lúc chúng ta sẽ sang bước 2.
Bước 2: Tìm và tổng hợp các ý chính cho bài nội dung từ đối thủ cạnh tranh trực tiếp trên Google
Để dễ ví dụ, mình sẽ chọn từ khóa “best tea kettles for gas stove” để làm ví dụ.
Từ khóa này dịch tiếng Việt nôm na là “ấm đun nước tốt nhất dùng cho bếp gas”.
Còn đây là 5 kết quả đầu tiên Google trả về cho mình:
Ở bước này, mục đích của bạn chính là tổng hợp được ra các đầu mục nội dung chính từ các kết quả Google trả về cho bạn khi tìm từ khóa.
Nhưng không phải tất cả các kết quả Google trả về đều phù hợp với mục đích tổng hợp này.
Hãy chú ý đến 3 kết quả mình chọn trong top 5 này là #1, #3, và #5.
Còn 2 kết quả #2 và #4 mình không chọn.
Lý do tại sao ư?
Vì #1, #3, #5 đều là dạng nội dung điển hình của site Amazon affiliate.
Trong trường hợp này là dạng bài “best”.
(Xem thêm: các dạng từ khóa chính Google luôn ưu tiên xếp hạng các site affiliate trên top)
Bạn có thể “đọc vị” ngay điều đó chỉ bằng cách nhìn vào tiêu đề của kết quả.
Ngoài ra, các kết quả đó đều được tối ưu hóa phần tiêu đề (SEO title) cho từ khóa “best tea kettles for gas stove”.
Vậy còn #2 và #4 thì sao?
#2 là một trang nội dung từ Amazon.
Mà Amazon là một website thương mại điện tử, không phải site affiliate >>> không cùng loại với site của bạn.
Còn #4 thì không được tối ưu 100% SEO title cho từ khóa.
Nhưng vì sao nó vẫn đứng top?
Đơn giản vì bài nội dung đó nằm trên 1 website có sức mạnh lớn (thespruceeats.com – Domain Authority (DA) tận 82), và có nội dung “phần nào đó” liên quan đến từ khóa.
Bạn có thể thấy yếu tố “phần nào đó” thông qua các từ được Google bôi đen trong phần nội dung ngay bên dưới tiêu đề.
Các từ đó không đứng gần nhau thành một cụm mà xuất hiện rải rác ngẫu nhiên trong nội dung.
Do đó, nếu bạn chọn 2 trang nội dung đó để làm hình mẫu mô phỏng theo thì sẽ rất dễ bị lạc hướng.
OK, sau khi đã chọn xong 3 trang nội dung kể trên, bạn hãy bấm vào từng trang để xem nội dung bên trong có gì.
Với kết quả đầu tiên ( https://kitchenbyte.com/best-tea-kettle-for-gas-stove/ ) đây là các gạch đầu dòng nội dung chính mà mình thấy được:
- Phần mở bài (opening): thường đề cập đến chủ đề mà người đọc đang tìm kiếm, và nêu lý do tại sao họ nên tiếp tục đọc xuống bên dưới để biết thêm thông tin chi tiết.

- Phần bảng so sánh sản phẩm (comparison table): đây là phần nội dung điển hình của các bài “best”, mục đích để người đọc có sự lựa chọn và click sang Amazon nhiều hơn. Thường phần này sẽ so sánh từ 5 đến 10 sản phẩm khác nhau.

- Phần mục lục (table of content): đây là phần nội dung giúp người đọc dễ tìm được thứ mình đang tìm kiếm ngay từ đầu mà không cần cuộn hết bài để scan. Trong wordpress, bạn có thể dùng plugin Table of content plus để làm phần này (mình sẽ có hướng dẫn chi tiết sau).

- Phần hướng dẫn mua và sử dụng sản phẩm (buying guide): phần thông tin này có mục đích làm bài viết hữu ích hơn với người dùng, và thường cũng sẽ mang lại nhiều traffic từ long tail keywords hơn cho bài viết. Trong bài viết này là toàn bộ phần “What Should You Look For In A Tea Kettle For Gas Stove?” và “Tea Kettle Cleaning Instructions”

- Phần đánh giá từng sản phẩm riêng biệt (individual product reviews): đây là phần nội dung đi sâu vào từng điểm mạnh/yếu của mỗi sản phẩm, đặc điểm, lợi ích, và cảm nhận chung của khách hàng khi sử dụng sản phẩm. Có nhiều cách để viết phần này, nhưng nói chung các ý mình vừa nêu là các ý chính.

- Phần kết bài (ending): thường tóm tắt lại các ý chính, nhấn mạnh lại sản phẩm nào là tốt nhất và thường có lời kêu gọi hành động (call to action) ở đây để người đọc click sang Amazon xem sản phẩm.

OK, bạn đã nhìn rõ ra được các phần nội dung chính của “đối thủ” đầu tiên này rồi chứ?
Với 2 kết quả còn lại, bạn cũng làm các bước tương tự.
Hãy thử làm các bước tương tự xem các phần bạn tìm được trong 2 kết quả còn lại có giống mình không nhé
Với kết quả thứ 2 ( https://www.ges2016.org/best-tea-kettle-for-gas-stove/ ) đây là các phần mình tìm được:
- Mở bài
- Bảng so sánh
- Đánh giá sản phẩm đơn lẻ
- Hướng dẫn mua hàng (bài viết này có lồng thêm nội dung dạng câu hỏi thường gặp FAQs rất hay, sẽ giúp bài viết có thêm nhiều traffic từ long tail keywords)
- Kết bài
Với kết quả thứ 3 ( https://cooknovel.com/best-tea-kettle-for-gas-stove/ ) đây là các phần mình tìm được:
- Mở bài
- Hướng dẫn mua hàng
- Đánh giá sản phẩm đơn lẻ
- Kết bài
Vậy là xong!
Như vậy, sau khi check cả 3 bài nội dung này, đây sẽ là các ý chính bạn nên có trong bài để bài viết của mình:
- Mở bài
- Bảng so sánh (nên để 10 sản phẩm)
- Mục lục
- Đánh giá sản phẩm đơn lẻ (đánh giá cả 10 sản phẩm bạn có trong bảng so sánh)
- Hướng dẫn mua hàng
- Câu hỏi thường gặp (FAQs)
- Kết bài
Mục đích là làm bài viết của bạn trở thành bài nội dung đầy đủ nhất so với 3 kết quả vừa tìm được.
Với các sản phẩm chọn cho vào bảng so sánh để đánh giá, hãy chọn 10 sản phẩm trong số tất cả các sản phẩm mà 3 bài nội dung kể trên đề cập.
Bạn có thể xem thêm cách chọn sản phẩm để làm nội dung tại đây.
Sau khi hoàn thành bước này, giờ là lúc bạn chính thức bắt tay vào viết bài.
Bước 3: Viết nội dung mới dựa trên các ý chính đã tổng hợp được từ trước
Trước khi đi vào kỹ thuật thực hiện, mình muốn bạn nắm được một khái niệm quan trọng sau đây:
Plagiarism – Đạo văn
Đạo văn được hiểu đơn giản là bạn lấy nội dung của người khác không xin phép xong về nhận nó là của mình.
Có thể bạn copy y nguyên bài viết đó về, hoặc chỉ chỉnh sửa rất ít, hay thậm chí là chỉnh sửa nhiều để gần như không còn nhận ra bài gốc!
Vậy làm thế nào để viết lại nội dung mà không bị mang tiếng là “đạo sĩ”?
Rất đơn giản, đó là hãy viết lại cả đoạn văn hoặc cả một phần nội dung theo ý hiểu của bạn, thay vì viết lại theo từng câu hoặc chỉ đơn giản là thay đổi chữ trong câu văn.
Đó cũng là lý do tại sao mình lại cần bạn làm bước 1 và bước 2 ở trên.
Bước 1 sẽ cho bạn các kiến thức nền tảng để có thể tự tin “chém gió” về chủ đề mà bạn chọn.
Còn bước 2 sẽ cho bạn một khung sườn bài viết thậm chí còn đầy đủ hơn cả các đối thủ đang nằm top Google.
Còn bây giờ, mình sẽ demo kỹ thuật rewrite nội dung này.
Bước 3.1: Mở 1 file word mới, liệt kê các gạch đầu dòng nội dung chính mà bạn có được ở bước 2
Bước 3.2: Chọn 1 phần nội dung bạn ưng ý nhất trong các đối thủ, và bắt đầu viết lại theo ý hiểu và cách diễn đạt của bạn
Ví dụ, trong phần “Mở bài”, mình ưng ý với phần mở bài này nhất:

- Mình sẽ copy phần nội dung này vào file word
- Cách dòng khoảng 3 dòng
- ĐỌC TOÀN BỘ PHẦN NỘI DUNG trước để nắm được ý chính đang diễn đạt
- Sau đó viết lại phần nội dung này theo ý hiểu và cách diễn đạt của mình

Phần nội dung bôi vàng chính là phần mình viết lại theo cách diễn đạt của mình từ phần nội dung gốc ban đầu.
Bạn có thể thấy sự khác biệt rõ rệt về cách diễn đạt, câu văn. Cả cách mình viết để tạo sự tò mò khiến người đọc muốn đọc thêm.
Và cuối cùng là mình tối ưu hóa Onpage cho từ khóa tốt hơn bằng cách cho cả cụm từ được xuất hiện tại đây.
OK, sau khi đã viết lại xong, bạn hãy xóa phần nội dung gốc ban đầu đi là xong.
Chúc mừng, bạn vừa viết lại thành công phần nội dung đầu tiên cho bài viết rồi đấy
Giờ thì cứ tiếp tục lặp lại các bước này cho đến khi nào bạn hoàn thành cả bài thôi.
Bước 4: Thêm các dạng nội dung và cách diễn đạt mới để tăng giá trị cho người đọc

Có một số kỹ thuật rất đơn giản để giúp bạn làm tăng giá trị cho bài nội dung của mình.
Thứ 1, bạn có thể search Youtube và chèn 1-2 video liên quan về chủ đề bạn đang viết vào bài của mình.
Việc chèn video không chỉ giúp người đọc có thêm nội dung để xem thay vì chỉ đọc, mà nó còn giúp làm tăng thời lượng trên trang (time on page) cho bài viết của bạn.
Tuy nhiên, bạn đừng nên chèn quá nhiều video vì sẽ làm loãng và kéo tốc độ tải trang xuống thấp.
Thứ 2, bạn có thể thêm nhiều hình ảnh minh họa hơn nếu các bài viết của đối thủ không làm tốt phần này.
Nhưng hãy nhớ tối ưu hóa dung lượng ảnh trước khi upload lên web nhé.
Bạn có thể dùng công cụ https://tinypng.com/ để tải ảnh lên và download về các ảnh đã được nén mà chất lượng gần như không đổi.
Thứ 3, bạn có thể thêm các cách diễn đạt, các câu cảm nhận, cảm xúc của riêng bạn vào bài để bài viết đỡ đơn điệu hơn.
Người đọc rất thích đọc các bài dạng chia sẻ cá nhân khi tác giả cho thấy họ thích và không thích gì từ sản phẩm/dịch vụ/chủ đề đang được nói tới.
Vì vậy, nếu có điều gì đó khiến bạn thích hoặc không thích, hãy cứ mạnh dạn viết vào bài.
Thứ 4, hãy bố cục bài viết gọn gàng, logic, và dễ đọc hơn.
Cố gắng viết câu văn ngắn và để mỗi câu chỉ nằm trên 1 dòng.
Đó là cách mình hay làm và thực tế là bạn đang đọc một bài nội dung như vậy đấy.
Cuối cùng, hãy cố gắng làm rõ nghĩa hơn các phần lợi ích của sản phẩm.
Làm như vậy, bạn sẽ giúp người đọc dễ hình dung hơn sản phẩm có thể giúp họ như thế nào.
Và làm vậy sẽ giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi khi người đọc quyết định click sang Amazon để mua hàng.
Bước 5: Gia tăng tỷ lệ chuyển đổi cho bài nội dung

Đây là bước cuối cùng trong quá trình.
Nhưng rất tiếc, đây lại là một chủ đề rất rộng và liên quan nhiều đến kỹ năng copywriting.
Do đó, mình không thể đi sâu ngay lập tức vào phần này mà sẽ để dành cho một bài viết chi tiết sau này.
Tuy nhiên, để gia tăng tỷ lệ chuyển đổi cho trang nội dung, mình sẽ cho bạn một vài gạch đầu dòng như sau:
- Đẩy phần bảng so sánh sản phẩm (comparison table) lên càng gần trên đầu bài nội dung càng tốt (thường nên để ngay sau phần mở bài ngắn gọn)
- Trong phần mở bài (opening) nên có 1 call to action dẫn sang Amazon ngay để người dùng đang vội không có thời gian đọc bài có thể click sang luôn (ví dụ: “In a hurry? Click here to see the best tea kettles on the market right now”)
- Bài nội dung nên viết ở ngôi thứ 1. Gần như là dạng bạn nói chuyện với bạn bè của mình ngoài đời vậy.
- Phần review sản phẩm nên tập trung vào lợi ích của sản phẩm thay vì chỉ nêu đặc điểm chung chung. Bởi khách hàng mua giải pháp chứ họ không mua sản phẩm.
- Viết câu văn ngắn gọn, xúc tích, và trình bày mạch lạc với các tiêu đề phụ (subheading) rõ ràng.
- Bạn nên link hình ảnh sản phẩm về trang nội dung trên Amazon với link affiliate của bạn.
- Các call to action khác nên đặt tách biệt và rõ ràng so với phần nội dung (thường là các nút bấm hoặc link dạng text nhưng để font chữ to).
Tạm kết
OK, trên đây mình đã hướng dẫn bạn cách để tự viết và phát triển bài nội dung cho website của mình.
Ngay cả khi bạn không biết gì về niche và sản phẩm của mình.
Cách làm này chắc chắn sẽ mất tương đối thời gian và công sức.
Tất nhiên thôi, bởi bạn không có nhiều tiền đề đầu tư thì sẽ phải chấp nhận đánh đổi thôi, phải không?
Nhưng mình cũng khuyên nếu mới làm, bạn nên tự viết 3-5 bài cho site của bạn.
Làm như vậy, bạn sẽ học được cách phát triển nội dung để sau này có thể thuê được các writer ngoài và quản lý công việc của họ tốt hơn.
Cảm ơn bạn đã đọc bài và hẹn gặp bạn trong những bài viết tới nhé.
Nguồn: Duy Nguyễn blog