Sự thật về lòng tự trắc ẩn – để thực sự yêu thương bản thân ngay hôm nay
Sự thật về lòng tự trắc ẩn – để thực sự yêu thương bản thân ngay hôm nay
Một chiều cuối tháng Tư, tôi bước ra khỏi bầu không khí điều hòa mát lạnh của tòa nhà văn phòng nơi mình làm việc, nheo mắt vì luồng khí nóng và ánh nắng xiên khoai ở bên ngoài. Theo thói quen, tôi gọi bấm số của chồng.
“Anh về chưa? Tối nay anh muốn ăn gì?”
Tiếng ồn ào từ bên kia đầu dây đã trả lời câu hỏi của tôi. Vậy là đã 5 rưỡi chiều mà chồng tôi vẫn chưa về nhà.
“Đội bóng nữ của khoa hôm nay đá. Anh đi cổ vũ tí nữa mới về.”
Tôi tắt máy khi một cảm giác bực dọc vô cớ bắt đầu dấy lên.
Ban nãy, tôi đã phải vội vàng thu xếp công việc để về sớm nấu cơm. Không ai bắt tôi phải vội vã nhưng tôi sẽ cảm thấy có lỗi khi về muộn hơn chồng mình. Để rồi giờ tôi lại là người về nhà trước, còn chồng tôi vẫn đang vui vẻ ở sân bóng với đồng nghiệp mà không hề biết rằng tôi đang giận.
Sự đáng thương của những người hay giận dỗi
Buổi chiều hôm ấy, tôi đã dừng lại để quan sát chính mình. Tôi nhận ra rằng nguyên do của sự giận dỗi chẳng phải vì chồng tôi làm gì có lỗi. Nó là bởi vì tôi không yêu bản thân mình đủ nhiều, không tin rằng mình xứng đáng được yêu thương.
Nghe thì có vẻ chẳng liên quan, nhưng thực sự thì người hay xù lông xù cánh với người khác lại chính là những người thiếu lòng trắc ẩn đối với bản thân. Những người như thế – những người như tôi trong buổi chiều tháng Tư ấy – thực ra rất đáng thương.
Họ luôn cần sự công nhận ở người khác. Họ tuyệt vọng tới nỗi chỉ cần một hành động không đúng ý, một lời góp ý dù mang tính xây dựng, một thoáng thiếu ân cần đều có thể khiến họ giận dỗi và đau khổ.
Tôi đã đọc và thương cảm với không biết bao nhiêu dòng tâm sự của những người vợ, người mẹ tuyệt vọng vì chồng lạnh nhạt, vô tâm. Muốn được người khác yêu thương, quan tâm là nhu cầu hoàn toàn chính đáng của mỗi con người. Nhưng thiếu yêu thương bản thân đến mức buồn vui sướng khổ của mình phụ thuộc hoàn toàn vào người khác thì thật là bi kịch. Bởi lẽ, thực tế là:
Chúng ta KHÔNG THỂ kiểm soát hành vi, thái độ của người khác. Điều duy nhất chúng ta CÓ THỂ làm, là yêu thương lấy chính bản thân mình.
Câu chuyện muôn thuở về self-love và lối đi nào cho chúng ta
Đến đây, có lẽ bạn sẽ muốn tắt bài viết này đi và quay sang lướt Facebook. Tôi biết tỏng, bởi vì chính tôi cũng từng ngáp lấy ngáp để khi đọc những bài viết sáo rỗng, lải nhải về việc phải yêu thương bản thân. Biết rồi, khổ lắm, nói mãi! Nói thì dễ nhưng làm thế nào thì không ai cho tôi câu trả lời.
Tôi từng hồ hởi thực hiện theo những lời khuyên kiểu:
Hãy tự thưởng cho mình một món quà.
Hãy đầu tư vào trang phục và ngoại hình
Hãy đi một mình đến nơi bạn muốn và ăn những món thật ngon.
Ban đầu, tôi hào hứng thay đổi, sống cho mình nhiều hơn, chăm chút ngoại hình hơn. Nhưng tác dụng của việc này chỉ là nhất thời, bởi rất nhanh thôi, tôi lại chán việc mặc đẹp, chán việc chăm sóc da mỗi tối và (thật mỉa mai) chán cả chính mình vì chán những việc đó. Lý do ư? Vì những lời khuyên đó đều chỉ ở trên bề nổi, giải quyết những nhu cầu bên ngoài mà không xuất phát từ bên trong.
Làm thế nào để thực sự yêu thương bản thân từ bên trong?
Trong quá trình thức tỉnh để yêu thương bản thân từ bên trong, điều khiến tôi ngạc nhiên nhất chính là: tôi đã từng đối xử thậm tệ với bản thân mà không hề nhận ra mình đang làm như thế.
Để tập yêu thương chính mình, bạn phải bắt đầu từ việc nhận ra rằng mình đang đối xử tồi tệ như thế nào với bản thân.
Hãy lấy câu chuyện ở đầu bài làm ví dụ. Chiều hôm ấy, khi cơn giận chồng ập đến, tôi đã tách mình ra để quan sát chính mình và tỉnh táo nhận ra rằng mình đang hết sức vô lý. Không ai bắt tôi phải vội vàng làm xong công việc, nhưng tôi tự bắt mình như thế rồi bắt cả chồng phải theo. Là tự tôi không cho phép mình thong thả, tự tôi trách mình khi không thể về sớm mỗi ngày.
Thay vì thế, tôi đã có thể cho mình thêm thời gian để giải quyết công việc trong bình thản bởi tôi chỉ đang làm việc hoàn toàn chính đáng chứ đâu có lỗi gì. Nếu thế, tôi cũng sẽ hoàn toàn vui vẻ khi chồng tôi về muộn vì cổ vũ bóng đá. Đó đã có thể là một buổi chiều vui vẻ và nhẹ nhõm với cả hai.
Càng tỉnh thức, bạn sẽ càng nhận ra rằng mình vẫn thường tự “bắt nạt” bản thân mà không hề nhận thức được điều đó:
- Mỗi khi có chuyện gì tốt xảy đến với mình, bạn ngay lập tức tự hỏi khi nào thì mình phải trả giá cho nó bằng một chuyện không tốt khác.
- Bạn tin rằng mỗi thành công đều chỉ là tạm thời và thậm chí là điềm báo của một thất bại khủng khiếp hơn
- Bạn tin rằng mỗi ngày trôi qua vui vẻ sẽ chắc chắn bị phá hỏng bởi một việc gì tồi tệ.
- Bạn luôn nghĩ rằng mọi người không ưa mình.
- Mỗi khi bước ra khỏi một căn phòng, bạn luôn tưởng tượng rằng mọi người sẽ nói xấu sau lưng bạn.
“Nhưng như thế đâu phải là tôi không yêu bản thân mình? Tôi chỉ không muốn bản thân phải rơi vào đau khổ nên mới luôn lo lắng.”
Đâu có, những việc bạn đang làm thực chất cho thấy một xu hướng mặc định: phá hủy mọi niềm vui, mọi sự thoải mái khi bạn được là chính mình. Dù không nhận ra nhưng chúng ta đang bóp chết mọi cơ hội được cảm thấy hài lòng về cuộc sống, về bản thân ngay từ trong trứng nước! Thử nghĩ mà xem, đó là cách đối xử vô cùng tàn nhẫn với bất kỳ ai, nhưng bạn lại đang làm với chính mình!
Vậy tại sao bạn lại cứ hành hạ bản thân mình? Cách bạn đối xử với bản thân thực ra bắt nguồn từ cách những người khác từng đối xử với bạn, trực tiếp hay gián tiếp. Bởi chúng ta không sống trong một thế giới lý tưởng, ai cũng ít nhiều từng có lần bị người khác đối xử thiếu nhân từ.
- Bố hoặc mẹ từng đánh mắng bạn.
- Một cô giáo từng chế giễu bạn trước mặt cả lớp.
- Một người bạn thân lại đi nói xấu sau lưng bạn.
Chính những trải nghiệm như vậy đã hằn lên tiềm thức một niềm tin sai trái rằng bạn thực sự không xứng đáng được yêu thương.
Khi đã hiểu được lý do, hãy cùng xác định “bệnh tình” hiện tại của bạn đang ở mức nào. Thực ra, bạn chỉ cần tự hỏi mình một câu hỏi rất giản đơn: “Tôi thích bản thân mình tới mức nào?”
Nếu bạn lập tức trả lời rằng “mình ghét bản thân”, chắc chắn đó là kết quả của một trải nghiệm nào đó trong quá khứ mà chúng ta cần đối diện, nhưng lại chọn cách phớt lờ. Hãy nhìn thẳng vào trải nghiệm đó để tìm ra sự thật, đập vỡ niềm tin rằng bạn không xứng đáng và từ đó xây dựng lại lòng trắc ẩn đối với chính mình.
Xây dựng như thế nào? Giờ hãy tưởng tượng mọi việc sẽ ra sao nếu bạn kiên quyết đối xử thật dịu dàng và tử tế với chính mình từ trong suy nghĩ. Thay vì có những suy nghĩ theo chiều hướng tệ hại thì hãy hạ quyết tâm rằng bạn sẽ luôn khen ngợi, âu yếm và trấn an bản thân như cách bạn đối xử với một đứa trẻ.
Giờ tôi sẽ lấy hết dũng khí để đưa một ví dụ cá nhân, mà bình thường tôi sẽ không kể với ai. Gần đây, tôi mới nhận ra rằng mình có cảm giác không thoải mái khi tiếp xúc với những người có điều kiện về tài chính hơn mình. Khi quan sát bản thân kỹ hơn, tôi nhận ra khi nói chuyện hay làm việc với một ai đó giàu có hơn, tôi sẽ có cảm giác tự ti và đôi chút sợ sệt. Dù họ rất tử tế và không hề tỏ ra trịch thượng, nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy như họ đang coi thường tôi. Tôi thấy cổ họng mình khô rang, muốn chạy trốn khi nghĩ rằng họ đang nhìn thấu sự sợ hãi của mình.
Thay vì để mặc cho cảm giác đó hành hạ mình, tôi quyết định nhìn thẳng vào nó và đào sâu hơn, lần mò về những trải nghiệm tương tự trong quá khứ.
Tuy bố mẹ làm cán bộ nhà nước có thu nhập không cao nhưng ổn định, từ bé tôi đã được dạy rằng mình là… con nhà nghèo. Mẹ tôi là người hay lam hay làm và có thể nói là… rất thích tiền, luôn cố gắng tìm cách tăng thêm thu nhập ngoài đồng lương nhà nước. Mẹ luôn tỏ ra thán phục và mơ ước trước những người khá giả, đôi khi tới mức hơi quá.
Chính thái độ đó khiến tôi hình thành một niềm tin rằng những người giàu có hơn mình cũng có nghĩa là mọi thứ của họ đều hơn mình. Bố mẹ có người con nuôi sàn sàn tuổi em tôi. Em là con gia đình có điều kiện, tuy gia đình em rất tốt với chúng tôi nhưng tôi luôn cảm thấy tự ti trước họ. Nhất là mỗi mùa hè khi em tới nhà và ở lại chơi với chúng tôi vài ngày, khi những mâu thuẫn tranh giành tất yếu xảy ra giữa lũ trẻ chúng tôi, thì tôi sẽ luôn là người phải nhường. Mẹ rất sợ em nuôi tôi giận dỗi và bỏ về, làm bố mẹ em phật ý.
Những trải nghiệm tổn thương như thế đã hình thành trong tôi một cảm giác yếu thế trước những người giàu có. Lớn lên rồi, tôi vẫn chưa phải là một người giàu, và tuy gần đây mới đủ tỉnh thức để nhận ra, nhưng tôi đã luôn trách cứ mình vì điều đó.
Khi nhìn thẳng vào nguyên do ấy, tôi bỗng thấy nhẹ nhõm hơn nhiều. Những niềm tin tiêu cực ấy là vô căn cứ. Tôi cũng làm được nhiều việc trong cuộc đời mình. Tôi theo đuổi những giá trị riêng không chỉ về tiền bạc. Và tôi tự hào về điều đó.
Đôi lời nhắn nhủ
Khi ai đó có ý định tự tử, chúng ta thường nghĩ chắc vì họ đã phải trải qua những đau đớn hay sợ hãi khủng khiếp lắm. Chúng ta nghiễm nhiên đổ tại ngoại cảnh mà không biết rằng điều đưa họ đến chỗ chết là sự ghét bỏ chính bản thân mình.
Và như tôi vẫn luôn tâm niệm, muốn tự giải thoát cho mình thì phải bắt đầu từ việc nhận thức. Chúng ta không phải sinh ra là đã ghét bản thân mình. Từ những trải nghiệm tổn thương trong quá khứ, chúng ta đã trở nên thiếu nhân từ, tự nghi ngờ giá trị của bản thân. Để có thể sống và sống hạnh phúc, chúng ta phải đập vỡ những quán tính này, học cách tha thứ, yêu thương và tử tế với bản thân từ bên trong.
Yêu thương,
Nguồn: https://mindfullyt.com/