Yêu con đúng cách, con tự khắc ngoan: giới hạn trong sự đồng cảm (một ví dụ minh họa)
Yêu con đúng cách, con tự khắc ngoan: giới hạn trong sự đồng cảm (một ví dụ minh họa)
“Con nhà tớ bây giờ HƯ lắm, nhất quyết làm theo ý mình, không được là lại ngoạc cái mồm ra.”
“Phải quát nó dần đi!”
“Phải cho ăn roi mới ngoan được!”
Nghe những câu chuyện như vậy mà thấy thương trẻ con ghê lắm, vì bố mẹ là những người chúng yêu thương và tin tưởng nhất lại vô tình quay lưng, từ chối những cảm xúc tự nhiên của chúng.
Thật đáng tiếc, bởi vì chính những quát mắng và đòn roi ấy chỉ là sự xâm phạm về thể chất và tinh thần để bắt trẻ con quy phục. Nó không giúp giải quyết vấn đề mà còn làm tồi tệ thêm: rồi chính những đứa trẻ ấy sẽ học được rằng phải đánh mắng thì người khác mới nghe lời mình, và rằng bố mẹ chỉ yêu chúng khi chúng ngoan, một thứ tình yêu ích kỷ và có điều kiện.
Vậy thì làm thế nào trong những tình huống con “giở chứng”? Câu trả lời là: đặt ra giới hạn đồng thời bày tỏ sự đồng cảm với con. Dưới đây là một bài do tôi dịch, đưa ra ví dụ về tình huống mà bố mẹ nào có con tuổi lên 2, lên 3 cũng đều gặp phải hằng ngày, có thể liên hệ được.
Link bài gốc: https://www.ahaparenting.com/parenting-tools/positive-discipline/How-to-set-Empathic-Limits
Mẹ: “Avery, chắc con đói rồi nhỉ. Đến giờ về nhà và làm bánh mỳ kẹp bơ lạc để ăn trưa rồi. Con muốn đi bộ hay ngồi xe đẩy?”
Avery: “Không mẹ ơi, con ngồi xích đu.”
Mẹ [dùng từ ngữ thể hiện sự đồng cảm với con và ghi nhận những cảm xúc của con]: “Avery đang chơi xích đu vui quá. Chắc con muốn ngồi trên xích đu thật lâu nhỉ” [Đặt giới hạn] Nhưng chúng mình phải về để ăn một bữa trưa thật ngon vì bụng chúng mình đói rồi. Mình cùng chạy thi xem ai tới chỗ xe đẩy trước nhé!”
Avery: “Không mẹ ơi, con ngồi ở xích đu cơ.”
Đến lúc này, ta biết rằng mọi việc vẫn chưa dừng lại. Đứa trẻ hai tuổi rưỡi sẽ càng cảm thấy đói hơn, còn người mẹ sẽ càng cáu tiết hơn. Từ đầu câu chuyện tới giờ, người mẹ đã làm rất tốt việc tỏ ra đồng cảm với con. Mẹ đã đặt ra một giới hạn. Còn con thì không hợp tác vui vẻ với giới hạn đó. Cương quyết giữ giới hạn của mình, đã đến lúc mẹ cho con thấy điều đó.
Mẹ: “Avery, con muốn ngồi ở xích đu này cả ngày đúng không?” [Nói ra mong muốn của con]
Avery: VÂNG!
Mẹ: “Ước gì con có thể ngồi đây cả ngày nhỉ. Nhưng đến giờ ăn trưa rồi và mình phải về thôi. Con chọn đi: con tự nhảy xuống rồi đi bộ với mẹ, hay là mẹ bế con xuống rồi con ngồi xe mẹ đẩy về?” [Mẹ đưa ra hai lựa chọn mà mình có thể chấp nhận. Điều này giúp giữ thể diện cho Avery và cho con có cảm giác mình có quyền quyết định.]
Nếu Avery không chọn phương án nào:
Mẹ: “Được rồi, mẹ thấy con không thể tự nhảy xuống khỏi xích đu. Mẹ sẽ đỡ con xuống và cho con ngồi vào xe đẩy nhé.”
Giả sử Avery gào lên khi bị mẹ bế khỏi xích đu. Trong tình huống này người ta thường khuyên cha mẹ thẳng tay đặt con vào xe đẩy và để kệ con khóc, để tránh làm con nghĩ rằng hễ cứ khóc lóc là sẽ được chú ý. Nhưng làm như vậy là đã phá vỡ sự kết nối giữa ta và con và cũng là một hành động thiếu tôn trọng con (bạn có làm như vậy với bạn đời của mình không?). Tệ hơn nữa, làm vậy khác nào bảo con rằng cảm xúc của con là không tốt, và bố mẹ chỉ chú ý tới con nếu những gì con thể hiện làm bố mẹ hài lòng thôi – nói cách khác, tình yêu của bố mẹ là tình yêu có điều kiện. Con phải một mình tự vật lộn với những cảm xúc choáng ngợp và đáng sợ của riêng mình.
Vậy ta có nên “đánh trống lảng” để con quên đi không? “Ôi Avery xem đằng kia có bạn chó dễ thương chưa kìa!” Không. Làm như vậy là không tôn trọng trải nghiệm của con, và cho con thấy rằng cảm xúc của con đáng sợ đến nỗi bố mẹ không dám đối mặt.
Thay vào đó, hãy đặt ra giới hạn trong sự đồng cảm. Nghĩa là chúng ta vẫn kiên quyết giữ một giới hạn không thể thương lượng – dù sao thì ta cũng không nên để một đứa trẻ hai tuổi đưa ra mọi quyết định trong nhà. Nhưng đồng thời ta phải thể hiện sự đồng cảm với nỗi bực dọc của con khi phản ứng với giới hạn mà ta đặt ra.
Avery: [Bắt đầu gào lên khi mẹ bế xuống khỏi xích đu]
Mẹ: “Con đang khóc. Con không muốn xuống xích đu. Con buồn và giận vì mình phải về. Mẹ rất tiếc khi con không thể chơi xích đu cả ngày, nhưng đã đến giờ ăn trưa rồi. Mẹ sẽ ngồi ôm con trên chiếc ghế này khi con khóc.”
Dù những bố mẹ khác ở sân chơi khi ấy nhìn chằm chằm vào chúng ta, thì ta vẫn không phải là một kẻ thật bại chỉ vì con ta đang khóc. Thực ra, khóc là tốt và có ích cho một đứa trẻ hai tuổi với những cảm xúc luôn trực tuôn trào. Con cần được thể hiện cảm xúc của mình cho bố mẹ thấy chứ không phải kìm nén cảm xúc.
Khi con khóc, nếu ta có thể ôm con và giúp con cảm thấy an toàn (thay vì giữ con trong xe để đẩy con về nhà khi con vẫn đang khóc), có thể con sẽ còn khóc vì những lý do khác nữa – vì đứa em trai mới sinh, vì bố la mắng con khi bố đang vội, hoặc vì có con chó to sủa con sáng nay, hay vì đầu gối con đau khi bị ngã hôm qua nhưng con không khóc vì có bà ở đó và bà bảo con là một cô bé dũng cảm lớn tướng rồi và lớn rồi thì không khóc. Thật là một cơ hội tốt để “xả” mọi nỗi lòng. Thực ra, trẻ con thường “khiêu chiến” bằng cách kháng cự lại những giới hạn mà bố mẹ đặt ra, hệt như Avery đã làm với cái xích đu, chỉ để có cơ hội được khóc như thế. Vậy nên, việc ôm con khi con khóc cũng giống như tặng con một món quà lớn lao.
Khi con đang khóc, hãy giữ kết nối với con bằng cách ôm con. Ta để cho những giọt nước mắt tiếp tục rơi – phải, một cách cố ý – bằng cách tỏ ra đồng cảm và đảm bảo với con rằng con đang được an toàn:
“Con đang buồn, con đang khóc, mẹ đây rồi, con đang được an toàn, con cứ khóc đi.”
Nếu con giận giữ và chạy đi, ta hãy ở gần con và giữ kết nối với con bằng lời nói: “Mẹ ở đây nhé. Mẹ sẽ không để con một mình với những cảm xúc của con đâu.” Ta hãy hít thật sâu để giữ bình tĩnh. Ta phớt lờ những ánh mắt tò mò của những người đi qua.
Cuối cùng, con sẽ bắt đầu bình tĩnh lại. Con dụi vào vòng tay của mẹ. Mẹ ôm con thật chặt. “Lúc nãy con khóc. Con buồn. Giờ con cảm thấy tốt hơn rồi. Mình về nhà ăn bánh mỳ kẹp ngon tuyệt nhé. Con muốn uống nước trước khi ngồi vào xe đẩy không?”
Sau khi khóc cho thật thỏa trong vòng tay yêu thương của ta, con sẽ thoát khỏi những cảm xúc đã làm con kiên quyết theo ý mình và sẵn sàng trả giá bằng việc phải đối đầu với bố mẹ. Con sẽ cảm thấy thư giãn và hợp tác. (Khi trẻ cứng đầu và khăng khăng đòi làm theo ý mình, đó chính là báo động đỏ rằng con cần khóc. Cũng như ở người lớn thôi. Nhưng ta sẽ bàn về việc đó ở một bài viết khác.)
Lần đầu bạn xử lý theo cách này, con có thể sẽ khóc mất một lúc. Đó không phải là điều gì tồi tệ cả; con chỉ đang “xả” những cảm xúc đang dồn nén. Hoặc con sẽ nghĩ rằng khóc là cách thuyết phục để mẹ cho chơi xích đu thêm. Rõ ràng, việc thấu hiểu những cảm xúc của con không có nghĩa là bạn từ bỏ giới hạn một giới hạn mà mình cho là quan trọng.
Nhưng rồi dần dần, con sẽ miễn cưỡng xuống khỏi xích đu rồi trèo vào xe đẩy khi bạn nói đã tới giờ ăn trưa. Con sẽ học được từ kinh nghiệm rằng giới hạn mà bố mẹ đặt ra là cứng rắn, dù có thể con không hiểu được tại sao giới hạn lại quan trọng như vậy. Nhờ có sự đồng cảm của bố mẹ mà con sẽ hiểu rằng bố mẹ thực sự quan tâm tới hạnh phúc của con, rằng cảm xúc là có thể quản lý được, và rằng con có thể vượt qua sự thất vọng của mình. Đó chính là điểm bắt đầu của sự kiên cường và trí tuệ cảm xúc.
Cuối cùng, bạn sẽ nhận thấy rằng con dễ dàng chấp nhận những giới hạn hơn. Đó là bởi vì những đứa trẻ luôn thử thách những giới hạn thường là vì chúng cảm thấy không an toàn. Trẻ con có thể thích được nắm quyền nhưng cũng cảm thấy sợ hãi khi nắm quyền quyết định. Chúng cần biết rằng bố mẹ sẽ luôn chịu trách nhiệm và bảo vệ chúng. Khi con tin tưởng như vậy, con không cần phải thử thách những giới hạn mà bố mẹ đặt ra để tìm ra giới hạn thực sự của chính mình nữa.
Hi vọng rằng câu chuyện nhỏ trên đây giúp bạn có một cái nhìn mới về những hành vi của con để trở thành một người cha, người mẹ bình tĩnh và kết nối tốt hơn với con. Kỷ luật tích cực không phải là điều gì giáo điều, xa vời và khó khăn. Nó cần một cái đầu lạnh để đặt ra và kiên định với những giới hạn, nhưng cũng cần một trái tim ấm để đồng cảm và kết nối với con.
Yêu thương,
Photo by Christian Bowen on Unsplash
Nguồn: https://mindfullyt.com/