“Con không hư, con chỉ…” – Lời kêu oan cho những em bé bị gắn mác “CON HƯ”
“Con không hư, con chỉ…” – Lời kêu oan cho những em bé bị gắn mác “CON HƯ”
Những em bé của chúng ta. Chúng không bao giờ hư cả. Chúng sinh ra trong trạng thái vô trí (chưa có hiểu biết), với bản năng yêu thương có sẵn trong mình. Tin vào thiện tâm nguyên vẹn của con người, tôi cũng tin vào bản chất tốt đẹp của những đứa trẻ. Không có trẻ hư, chỉ có những hành vi chưa đúng cần được bố mẹ hỗ trợ mà thôi.
Càng đi xa trên hành trình nuôi dạy con, tôi càng thấy niềm tin của mình là đúng. Mỗi tình huống, mỗi câu chuyện đều có cách giải quyết ôn hòa nhưng hiệu quả, chỉ cần ta đủ tỉnh thức để nhìn nhận mà thôi.
“Con không hư, con chỉ…” là chuỗi bài viết tôi đăng trên Facebook cá nhân, đăng tổng hợp vào đây để thay lời “kêu oan” cho các em bé của chúng ta. Nhìn nhận sai lầm của bản thân chưa bao giờ là dễ dàng. Bạn có đủ bản lĩnh và yêu thương để cùng tôi đi hết quá trình nhìn nhận này không?
Bài số 1: CON KHÔNG HƯ, CON CHỈ ĐANG KHÔNG BIẾT CÁCH XỬ LÝ CẢM XÚC
Lạc 4 tuổi, vẫn được xem Youtube trong khoảng thời gian giới hạn mỗi ngày. Khi mẹ thông báo hết giờ, Lạc sẽ miễn cưỡng tắt đi vì biết “Mommy’s word is gold”. Thường thì con sẽ nhanh chóng tìm được trò khác để chơi, không đòi xem thêm.
Nhưng cũng có lúc mọi chuyện không đơn giản như thế. Trẻ con thì cũng chỉ là những con người, không phải máy. Có những hôm xem tập phim hay quá, Lạc vẫn muốn xem nữa nhưng mẹ bảo không được. Vậy là Lạc “khẩu phục nhưng tâm không phục”, sau khi tắt TV sẽ cố tình nghịch phá việc mẹ đang làm hoặc hét to khi em đang ngủ. Thậm chí, có lần Lạc còn nói: “không cho con xem thì con sẽ phá mẹ”.
Chao ôi! Mình tức nổ đom đóm mắt ra ấy chứ!
Lúc đó thì mình sẽ làm gì? Điên tiết lên và tét cho cái vào mông? Quát mắng và phạt đứng xó? Được thôi, làm thế sẽ lập tức dập tắt hành vi xấu và (thật lòng nhé) có phần hả dạ vì trút được cơn giận của mình.
Nhưng tiếc là mình luôn cảm thấy không ổn sau những lần như vậy.
Bởi vì, chính mình đã từng ở trong vị trí của Lạc. Mình vẫn nhớ lắm, một lần khi học tiểu học, chiều hôm đó trên kênh Hà Nội có chiếu phim hoạt hình “Người đẹp ngủ trong rừng”, còn VTV thì chiếu bóng đá trực tiếp. Mình đang xem hoạt hình thì bị bố mẹ bắt chuyển sang kênh bóng đá một cách không thương tiếc.
Mình đã vô cùng, vô cùng, vô cùng tức giận và ấm ức. Cảm giác vừa tiếc nuối vì không được xem chương trình mình yêu thích, vừa bất lực vì không được quyền quyết định, vừa tức giận vì bố mẹ không chịu lắng nghe mình.
Và mình hiểu cảm xúc của Lạc.
Con không hư. Con chỉ đang vật lộn với những cảm xúc khó chịu.
Con không biết phải làm thế nào để đối mặt với cảm giác tiếc nuối, bất lực và tức giận khi không có được thứ mình muốn.
Không chỉ trái tim, mà cả trí óc của mình cũng mách bảo: sẽ là hoàn toàn sai lầm khi dùng quát mắng, hình phạt để dập tắt biểu hiện bề ngoài của những cảm xúc đó. Nhiệm vụ của người lớn là hiểu cho cảm xúc của con và hướng dẫn con cách xử lý cảm xúc đúng mực.
Đừng để cho tâm trí bạn vội vàng phán xét: “láo quá”, “không thể chấp nhận được”, “hư quá mất rồi”.
Hãy đứng từ góc độ khách quan và xem xét trải nghiệm của con: con đang trải qua tình huống gì, con cảm thấy thế nào. Sau đó, hãy là “huấn luyện viên tâm lý” của con, hướng dẫn con cách đối diện với những cảm xúc tiêu cực.
Mình biết là khó. Bởi vì chính chúng ta cũng được nuôi dạy giữa những xu hướng đầy phán xét. Mình luôn yêu và biết ơn bố mẹ của mình, nhưng đó là tình trạng chung của xã hội mà chúng ta đang sống. Nhưng chúng mình có quyền lựa chọn để vượt ra khỏi khuôn mẫu của bố mẹ chúng mình, phải không nào?
Mình đã bình tĩnh và nói với Lạc: “Mẹ biết con đang thấy khó chịu vì con vẫn muốn xem nữa mà không được. Con có đang cảm thấy tức giận không? Buồn không? Con nói cho mẹ nghe nào.” Và sau khi đã xuôi xuôi thì mình mới giải thích “Vì mẹ yêu đôi mắt của con và không muốn đôi mắt xinh này bị cận thị vì xem nhiều. Con cũng thương đôi mắt của con phải không?”
Những lần đầu con vẫn vùng vằng không hợp tác, nhưng cảm xúc tồi tệ được đón nhận và lắng nghe thì rồi cũng sẽ trôi qua. Và mỗi lần như vậy, Lạc lại vững vàng trước cảm xúc tiêu cực hơn môt chút. Đã có những lần, con vui vẻ tắt và tự nói với mình: “Con cho mắt con nó nghỉ, mai mẹ lại cho xem mẹ nhỉ?”
Thực ra, bạn có quyền nói mình giáo điều. Hằng ngày chúng mình đi làm kiếm tiền, chịu bao nhiêu áp lực, vậy mà về nhà lũ trẻ lại không biết điều, hư hỗn với mình thì thật là chỉ muốn tăng xông. Mình biết.
Nhưng tăng xông là cách giải quyết mì ăn liền và nó cũng như món nợ lãi cao, một ngày nào đó cả bạn và con bạn phải chịu cả vốn lẫn lãi. Vậy nên, thay vì để cho cảm xúc của mình và con cùng cháy bùng như dầu đổ vào lửa, thì hãy bắt đầu bằng việc chăm sóc cảm xúc của bản thân và dạy con cách làm điều đó.
Tăng xông là cách giải quyết mì ăn liền và nó cũng như món nợ lãi cao, một ngày nào đó cả bạn và con bạn phải chịu cả vốn lẫn lãi.
Có mẹ nói vẫn biết vậy nhưng không thể kiểm soát được cơn giận. Mình có chia sẻ cách xử lý cơn giận của chính mình để nuôi dạy con tích cực hơn ở đây.
Bài số 2: CON KHÔNG HƯ, CON CHỈ ĐANG TÌM TÒI, HỌC HỎI
Tối nay khi vừa dọn bàn ăn xong, mình tá hoả khi thấy Lạc cầm cốc nước đổ thẳng vào cái hộp các tông rỗng đặt trên bàn. Nước bắt đầu rỉ qua cạnh hộp rồi lan ra mặt bàn, chảy xuống đất.
Nếu là trước đây, mình chắc chắn sẽ mắng cho Lạc 1 trận: “Lạc! Con làm cái gì đấy hả? Đổ hết nước ra nhà rồi, có muốn ăn tét không?”
Bạn nghe câu này có quen không?
Phải, chúng ta đã nghe đi nghe lại những lời mắng mỏ như thế khi còn là một đứa trẻ. Và giờ, những lời đó vô thức bật ra từ chính chúng ta, sau một ngày mệt mỏi, bận rộn, đủ thứ phải làm rồi mà bọn trẻ còn không để ta yên.
Nhưng giờ mình đã đủ tỉnh thức hơn để nhận ra và kịp dừng lại câu nói mình định buông. Mình đủ tỉnh thức để tự nói với mình rằng dù sao, đổ một chút nước ra nhà cũng chẳng phải sự việc nghiêm trọng đến thế.
Mình hít một hơi và bình thản hỏi: “Con đổ nước vào đấy làm gì?” Và Lạc hồn nhiên không biết suýt thì đã có một cơn giận giáng xuống, vui vẻ trả lời: “Con làm bể bơi”.
Và mình nói: “hộp này bằng bìa các tông, nước sẽ thấm và chảy qua khe này, chảy ra bàn rồi rớt xuống sàn đây. Bây giờ con lau nước đi rồi mẹ lấy cho con cái khác bằng nhựa cứng làm bể bơi nhé. Nhựa thì không thấm nước.”
Nó vui vẻ lấy giẻ lau thật gọn. Không có trận lôi đình và giọt nước mắt nào cả. Còn Lạc học thêm một điều về khả năng thấm nước của vật liệu.
Những em bé của chúng ta ít khi làm gì vì muốn gây khó dễ cho người lớn. Đơn giản là chúng đang học hỏi mà thôi. Chính người lớn chúng ta đang vơ vào, quy chụp cho con là xấu, là hư.
Không có đứa trẻ hư. Chỉ có hành vi chưa đúng.
Nhiệm vụ của bố mẹ không phải là phán xét, mà là lùi lại quan sát và hỗ trợ điều chỉnh hành vi khi cần.
Trong tình huống trên, mình không buông một lời cảnh cáo, trách cứ hay gắn mác “Hư” cho con. Thế nhưng, mình có thể đảm bảo với bạn rằng, Lạc sẽ không bao giờ đổ nước vào một hộp các tông như thế nữa.
Không phải vì con sợ bị mẹ mắng, cũng chẳng phải vì con sợ bị gắn mác “con hư”. Đơn giản là con đã hiểu đâu là hành vi đúng, và con làm vì bản thân con thấy nên làm thế. Vậy thôi.
Mình có bàn thêm về cách dạy con ngoan mà không dùng hình phạt ở đây.
Bài số 3: CON KHÔNG HƯ, CON CHỈ MUỐN GẦN BỐ MẸ THÊM CHÚT NỮA!
Gần đây, Lạc thi thoảng lại dọa…bỏ nhà ra đi. Hỏi tại sao, nó bảo tại mẹ cứ hay mắng.
“Ơ kìa, mẹ mắng con lúc nào nhỉ?”
“Lúc con sờ bụng béo của mẹ ý! Mẹ không nhớ à?”
Vậy là tối đó, sau khi con đã ngủ, mình mới nằm nghĩ lại. Đúng là dạo này mình hay “quạu” với nó khi nó thản nhiên vạch áo mẹ lên để … xoa bụng giữa chỗ đông người, hoặc là khi tay nó đang rất lạnh.
Tất nhiên, vẫn cần phải nói cho Lạc biết làm như vậy sẽ khiến mẹ bị hở bụng và xấu hổ trước mọi người, hoặc là sẽ cảm thấy rất khó chịu khi bị đôi tay lạnh như nước đã chạm vào. Nhưng điều mình tự hỏi là: liệu mình có đúng khi to tiếng với con trong những tình huống như vậy?
Thực ra, có đôi khi con làm những việc khiến chúng ta cảm thấy rất khó chiu.
Như là Bia, cứ thấy bố mẹ đang nằm là chạy lại và đổ tự do vào giữa bụng bố mẹ rồi cười khanh khách. Thử tưởng tượng có quả tạ 13kg rơi vào bụng khi bạn vừa mới ăn no!.
Hay khi mẹ đang nấu cơm, Bia cứ kéo chân mẹ và nhì nhèo “Tránh ra! Tránh ra!” Tưởng chắn mất cánh tủ nó định mở, nên mình đứng xê ra, thế mà nó vẫn ôm chân nhằng nhẵng.
Như là Lạc, khi mình ngồi xổm bên cạnh để xỏ ống quần vào chân nó, nó cứ vít vào cổ mà tưởng muốn gãy lưng!
Hay là khi cả hai đứa cùng đồng thanh: “mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ-ẹ-ẹ-ẹ!” khi mình đã “Ơi”, “Dạ” đến tỉ lần rồi!!!
Nhìn lại, mình mới thấy những hành động đó là biêt hiện của những khi con cảm thấy không được quan tâm. Con đâu muốn làm mình khó chịu. Con muốn chạm, muốn gần, muốn được kết nối với bố mẹ đấy thôi.
Không may, vì con chỉ là những em bé nên chẳng thể nói ra hết mong muốn của mình. Con chỉ biết thể hiện qua những hành động mà con có thể, vô tình gây khó chịu cho chúng ta.
Vậy thì phải làm thế nào? Ôi, đơn giản lắm!.
Chỉ cần dừng lại việc đang làm và cho con sự kết nối con cần. Một cái ôm thật sâu, một bàn tay nhấc bổng con lên trời, hay là một cái nhìn thật âu yếm khi bạn cúi xuống ngang tầm mắt con. Bạn đâu cần nói gì cao xa, chỉ cần thực sự chú tâm, tự con sẽ cảm nhận được rằng, bố mẹ đang bên con, kết nối với con ngay ở đây, ngay lúc này.
Thực ra, đó không chỉ là điều bạn làm cho con, mà còn là một liêu oxytoxin (hooc-môn hạnh phúc) siêu mạnh cho cả chính mình nữa đấy! Thay vì tỏ ra khó chịu, hay là bạn hãy cùng con sạc thêm một chút năng lượng yêu thương sau một ngày dài?
Yêu thương,
Nguồn: https://mindfullyt.com/