Hướng dẫn Cách Chọn Thị Trường Ngách và Lên List Từ Khóa cho Amazon Niche Site [P1]

Hướng Dẫn Cách Chọn Thị Trường Ngách và Lên List Từ Khóa cho Amazon Niche Site [P1]

Xin chào các bạn!

Trong series 3 phần này, này mình sẽ hướng dẫn bạn chi tiết:

  • Cách chọn thị trường ngách (niche) cho website Amazon affiliate hiệu quả mà không mất nhiều thời gian
  • Cách chọn từ khóa SEO dễ lên top và mang về traffic + doanh thu nhanh chóng
  • Cách check mức độ cạnh tranh của từ khóa cực nhanh và dễ làm chỉ với các công cụ FREE

Để không bỏ lỡ 2 phần quan trọng tiếp theo, hãy đăng ký để nhận thông báo từ blog bạn nhé.

Việc chọn đúng niche cực kỳ quan trọng vì nó quyết định đến 50% khả năng thành công của bạn!

Đây là phương pháp do mình tự phát triển trong suốt quá trình làm và trải nghiệm với mô hình kiếm tiền này.

Trên thực tế, có rất nhiều những cách khác nữa, nhưng nếu bạn mới bắt đầu, bạn chỉ cần một cách hiệu quả mà thôi.

Và trong phần 1 này, mình sẽ chia sẻ trước tiên với bạn về:

Các kiến thức nền tảng của việc lựa chọn niche.

Bạn có thể muốn ngay lập tức thực hành với công cụ.

Nhưng đó sẽ là một sai lầm lớn.

Vì nếu không hiểu được cách để tự tư duy sau này, sẽ rất khó để bạn có thể tự làm được tiếp!

OK, mình sẽ bắt đầu với…

1) 3 cụm từ quan trọng nhất bạn phải biết là gì?

Big market vs Sub market vs Niche market

3 cụm từ này là gì và tại sao bạn cần hiểu mối liên hệ giữa chúng?

Big market là các thị trường lớn.

Thị trường lớn thường là các chủ đề rất vĩ mô, chung chung, và thường được đại đa số mọi người quan tâm.

Ví dụ: tiền bạc, thể thao, các mối quan hệ, gia đình, sức khỏe, nội thất, nghệ thuật, xe cộ nói chung…

Những cụm từ đó đều có thể xếp vào nhóm các big market.

Sub market là các thị trường tầm trung.

Các sub market này thường sẽ được xếp ngay bên dưới các big market về độ lớn.

Nhưng điểm khác biệt quan trọng nhất chính là về mức độ cụ thể của chủ đề.

Không còn các chủ đề quá vĩ mô, chung chung nữa.

Với các sub market, bạn có thể dần dần mường tượng ra một cách rõ ràng hơn chủ đề đang nói đến là gì.

Ví dụ: Trong big market “xe cộ”,  bạn sẽ có các sub market “ô tô”, “xe máy”, “xe đạp”, “xe điện”…

Vậy còn niche?

Niche market là thị trường ngách.

Và khi nói đến thị trường ngách, bạn có thể nghĩ ngay đến những chủ đề rất cụ thể mà thường sẽ chỉ có một nhóm người quan tâm đến.

Ví dụ: đồ làm bánh, máy hút bụi, nồi niêu xoong chảo, đàn organ…

Như vậy, rất dễ dàng để bạn nhận ra rằng bên dưới mỗi big market sẽ là rất nhiều các submarket.

Và dưới các submarket này sẽ là hàng trăm, thậm chí hàng ngàn các niche nhỏ khác nhau!

Mình sẽ lấy một hình ảnh ví dụ như bên dưới để bạn dễ tưởng tượng hơn.

3 mức độ của thị trường

Big market ở đây sẽ là “thể thao”.

Các submarket bên dưới sẽ là “bóng đá”, “bóng chày”, “bóng bàn”…

Và bên dưới submarket “bóng đá” sẽ là các niche “giày đá bóng”, “quần áo đá bóng”, “găng tay bắt bóng”…

Cũng không quá khó phân biệt phải không?

Trên thực tế, còn một khái niệm nữa đó là:

“micro niche market” hay “micro niche”

Về độ lớn, các micro niche này còn dưới cả mức niche market.

Ví dụ: nếu niche của bạn là “giày đá bóng”, thì các micro niche bên dưới có thể là các thương hiệu giày nào đó, hoặc một dòng sản phẩm chuyên biệt ví dụ giày đinh cho sân cỏ nhân tạo chẳng hạn.

Nếu quay trở lại cách đây tầm 4-5 năm thì việc xây dựng các micro niche site này vẫn rất phổ biến.

Đơn giản bởi khi đó việc lên top Google vẫn còn quá dễ dàng.

Và mỗi micro niche site cũng không cần đầu tư quá nhiều nội dung (thường <20 bài) và backlink mà vẫn có thể lên top và kéo traffic + doanh thu.

Nhưng với sự phát triển của mình, Google giờ đây gần như bỏ qua các site dạng như vậy và ưu tiên các website lớn, có nội dung phong phú.

Ngoài ra, việc các site mới giờ đây cần ít nhất 4-6 tháng để có thể lên top các từ khóa thì việc đầu tư vào các micro niche site này không còn khả thi nữa.

Do đó, bạn không cần quá quan tâm đến việc phát triển các site dạng này.

2) Vậy bí quyết để thành công là gì?

Đó là bạn nên bắt đầu làm website với các niche market.

Đơn giản bởi đó thường là môi trường ít cạnh tranh nhất mà vẫn đủ lớn để bạn có thể kiếm lời được.

Hoặc nếu bạn có đủ kinh nghiệm và nguồn vốn đầu tư, hãy chọn các submarket.

Tuyệt đối không YOLO đâm đầu vào các big market!

Nếu tưởng tượng mỗi niche là một cái ao cá nhỏ.

Thì các submarket có thể là các hồ nước hoặc con sông lớn hơn.

Còn các big market chính là các đại dương rộng lớn.

Bất kể bạn mới làm hay đã có nhiều năm kinh nghiệm thì việc bắt đầu xây dựng site với một niche market thường sẽ mang lại kết quả nhanh hơn rất nhiều!

Cái ao cá có thể nhỏ thật, nhưng ít nhất bạn vẫn có thể “kiếm ăn” được mà không sợ chết đói.

Và quan trọng nhất là bạn sẽ không bị “cá voi” nuốt chửng ngay lập tức khi dám mạo hiểm tiến ra biển lớn khi vẫn chỉ là một chú cá con nhỏ bé.

Hãy biết cách sinh tồn và lớn lên trước đã.

Rồi khi ấy hãy nghĩ đến việc “cạnh tranh lãnh thổ” với những cá voi, cá mập ngoài kia.

3) Mô hình niche site vs authority site

niche vs authority

Khi nói đến xây dựng website kiếm tiền với Amazon affiliate, bạn sẽ bắt gặp 2 cụm từ này rất nhiều.

Niche site là cái chúng ta đang bàn đến ngày hôm nay.

Vậy còn authority site nghĩa là gì?

“Authority” dịch nghĩa tiếng Việt nôm na là “quyền uy”, “uy tín”.

Authority site là các website lớn, có tiếng nói và tầm ảnh hưởng trong niche hoặc market của mình.

Ví dụ khi nói về thể thao thì rõ ràng các website như ESPN.com, hay Skysports.com chính là các authority site của ngành.

Hoặc ở tầm nhỏ hơn như các submarket, thì nếu nói về chủ đề “nuôi dạy con” (parenting), bạn có thể tham khảo các website như Parenting.com

Tại sao mình lại nói về chủ đề này?

Đơn giản bởi nếu dạo qua các blog về MMO cả ở Việt Nam và nước ngoài thì phần lớn lời khuyên bây giờ sẽ là làm các authority site.

Lý do là các authority site sẽ bền vững hơn về lâu về dài, mang lại nguồn thu lớn hơn, bán được giá hơn…

Và mình đồng ý phần nào với ý kiến đó.

Tuy nhiên, nếu bạn mới làm thì đó lại là một việc quá sức!

Nó chẳng khác gì bạn mới lên 1 tuổi, còn đang tập bò mà người khác đã bắt bạn phải biết chạy ngay vậy.

Lời khuyên của mình ư?

Đó là vẫn giữ mục tiêu cuối cùng đó là phát triển thành một site authority.

Nhưng hãy bắt đầu nhỏ thôi, bằng cách nhắm đến các niche cạnh tranh thấp và tiềm năng trước tiên.

Sau đó, khi website của bạn đã phát triển lớn hơn, hãy mở rộng các chủ đề trên website sang các ngành hàng liên quan.

Dần dần, website của bạn sẽ phát triển trở thành một website lớn thật sự.

Nó cũng giống như bạn phải biết bò trước rồi mới đến biết đi và cuối cùng là biết chạy.

4) Tiêu chí nào là cần thiết để chọn một niche tiềm năng?

Để mà liệt kê thì có rất nhiều.

Nhưng với kinh nghiệm của mình, 5 tiêu chí sau đây là quan trọng nhất khi chọn niche làm site Amazon:

4.1) Sản phẩm trong niche bạn chọn có được Amazon trả hoa hồng cao không?

Đây là tiêu chí quan trọng nhất nếu bạn muốn làm website kiếm tiền với Amazon affiliate.

Đơn giản bởi nếu các sản phẩm trong niche bạn chọn chỉ được Amazon trả 1% hoa hồng, hoặc tệ hơn là không được hoa hồng thì rõ ràng các niche đó nên được loại bỏ ngay.

Vậy làm thế nào để biết được mức hoa hồng Amazon đang trả cho từng ngành hàng?

Rất đơn giản, bạn hãy bấm vào đây để xem trực tiếp.

Hoặc bạn có thể xem ảnh mình đính kèm bên dưới.

hoa hồng amz

Nhìn vào bảng trên, bạn có thể thấy được rất rõ ràng mức hoa hồng cho từng ngành hàng.

Và lời khuyên của mình là nên chọn các ngành hàng cho bạn ít nhất 4% hoa hồng.

Ví dụ:

Bạn chọn viết về các loại “búa”? (Vì bạn hâm mộ “thần búa” Thor chăng ? )

búa trên amazon

“Búa” vốn thường nằm trong mục “Home improvement”.

Do đó, bạn sẽ được 8% hoa hồng cho mỗi chiếc búa người dùng mua trên Amazon qua link giới thiệu của bạn.

Nếu chiếc búa đó giá $30, bạn sẽ được $2.4 hoa hồng.

NHƯNG

Cái hay của Amazon affiliate chính là chỉ cần người dùng click vào link của bạn sang Amazon, thì bất kể họ mua cái gì, bạn sẽ được hoa hồng cho cái đó!

Giả sử anh chàng mua búa bên trên quyết định là ngoài búa, anh ấy cần mua một bộ dụng cụ khoan tường giá $500 nữa thì sao?

Thì bạn sẽ được thêm $40 hoa hồng nữa chứ sao!

Không tệ, phải không?

4.2) Mức độ cạnh tranh về SEO của các từ khóa trong niche như thế nào?

Khi làm site Amazon, SEO gần như là phương án phổ biến nhất để kéo traffic về website của bạn.

Và niche bạn chọn nên có các từ khóa dễ SEO lên top để có thể tạo ra thu nhập cho website từ sớm.

Vậy thế nào là một từ khóa dễ SEO top?

Đó thường là các từ khóa long tail keyword (trái ngược với các từ khóa head keyword).

Các từ khóa long tail thường dài (gồm 4 từ đơn trở lên), có lượng tìm kiếm thường không quá cao, nhưng lại có mục đích tìm kiếm rất rõ ràng.

Ví dụ:

Từ khóa head keyword: “best shoes” (9900 lượt tìm kiếm hàng tháng từ Google US)

Nhưng với từ khóa đó, bạn gần như không thể biết được người dùng đang tìm kiếm cái gì (giày nam hay nữ, thể thao hay giày lười, màu đen hay nâu…)

Và để leo top được từ khóa đó gần như là không thể (và cũng không nên).

Nhưng ngược lại, đây là một từ khóa long tail keyword điển hình: “best flat shoes for walking” (110 lượt tìm kiếm hàng tháng từ Google US)

Với từ khóa này, bạn hiểu ngay người dùng đang tìm gì (họ đang tìm các mẫu giày bệt để đi bộ).

Lên top cho từ khóa này chắc chắn là dễ gấp 100 lần “best shoes”!

Và người dùng vào website của bạn khả năng họ click vào link và sang Amazon mua hàng cũng sẽ cao hơn rất nhiều.

Do đó, mục tiêu của bạn sẽ là tìm ra 100 từ khóa long tail như vậy để SEO lên top.

Thay vì dồn toàn lực vào để SEO một từ khóa head mà cuối cùng chẳng mang lại kết quả gì.

4.3) Sản phẩm có bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố mùa vụ hay không?

Đây cũng là một yếu tố bạn cần quan tâm.

Thế nào là ngách/sản phẩm mang tính mùa vụ?

Hãy nghĩ đến các sản phẩm liên quan đến ngày Valentine, hoặc Giáng sinh, hoặc đơn giản là đồ bơi chẳng hạn.

Các sản phẩm đó thường chỉ có một quãng thời gian ngắn trong năm là được tìm kiếm nhiều.

Còn các tháng còn lại, gần như không có ai quan tâm và tìm kiếm cả.

Do đó, niche bạn chọn KHÔNG nên bị chi phối bởi yếu tố mùa vụ này.

Để check về tính mùa vụ, bạn có thể truy cập Google Trends, gõ từ khóa chính nói về niche/sản phẩm mà bạn chọn để check biểu đồ nhu cầu tìm kiếm theo thời gian.

google trends

Từ khóa “best valentine chocolate” ở trên là một ví dụ điển hình cho tính thời vụ của niche.

Nhu cầu tìm kiếm của mọi người tăng cao nhất (đạt 100/100 điểm) vào khoảng tầm 10/2-16/2 hàng năm, sau đó thì gần như chẳng ai còn nhớ đến nó nữa.

4.4) Các sản phẩm trên Amazon có nhiều, giá có tốt và được đánh giá cao không, có dễ mua online không?

Khi tìm kiếm cho từ khóa chung mô tả sản phẩm trong niche mà bạn chọn, Amazon có trả lại nhiều kết quả không?

số lượng sản phẩm tìm kiếm

Ngoài ra, các sản phẩm đó có giá tốt không?

Có được nhiều rating và đánh giá cao không?

Có thuộc chương trình Amazon Prime cho phép khách hàng được ưu tiên freeship khi đặt hàng không?

sản phẩm amz 2

Đến đây bạn có thể nghĩ rằng tội gì mình lại đi chọn mấy cái niche sản phẩm loanh quanh $20-$30 làm gì.

Chọn hẳn mấy sản phẩm giá tầm $2,000-$3,000 làm site cho nó máu!? ?

Rất xin lỗi nếu mình có làm bạn tỉnh giấc.

Nhưng sự thật là RẤT KHÓ để một khách hàng ngay lập tức bỏ vài ngàn $$$ ra mua một sản phẩm online.

Kể cả đó có là mua từ Amazon, website thương mại điện tử uy tín nhất thế giới.

Đơn giản bởi với mức tiền đó, họ muốn “sờ” tận tay sản phẩm và ngắm nghía, cân nhắc kỹ càng trước khi xuống tiền.

Còn với các sản phẩm đơn giản giá chỉ vài chục $ thì gần như không phải nghĩ nhiều mà họ sẽ mua luôn cho được việc.

Và nếu bạn là người mới, với một website mới thì việc chọn các niche có sản phẩm trong tầm giá $20-$300 sẽ giúp bạn kiếm được order và tiền cực nhanh!

Vậy nên chớ có dại mà chọn mấy sản phẩm high-ticket ngàn đô đó để làm site nhé.

Ít nhất là khi bạn mới bắt đầu phát triển website.

4.5) Bạn có hứng thú với niche đó không?

Mình xếp yếu tố này cuối cùng.

Đơn giản bởi không nhất thiết bạn phải có kinh nghiệm thực tế thì mới có thể chọn được niche nào đó.

Sự thật là bạn chỉ cần có chút hứng thú để tìm hiểu và làm việc với niche đó trong một thời gian dài (1-2 năm) là được.

Ví dụ, bạn thích tìm hiểu về drone và các loại đồ chơi công nghệ liên quan, nhưng bản thân thì chưa từng thử lái drone lần nào?

Chẳng sao hết, bạn vẫn có thể đọc blog, xem video, ngắm sản phẩm… liên quan đến niche đó và làm được site.

Quan trọng là khi có hứng thú, bạn sẽ dành thời gian tìm hiểu về niche mà không cảm thấy nhàm chán.

Và chỉ riêng việc dành thời gian tìm hiểu là bạn đã có hiểu biết hơn khối người rồi đấy.

Ngoài ra, phần lớn nội dung sau này bạn có thể sẽ cần thuê ngoài (outsource) do không đủ thời gian hoặc kỹ năng tiếng Anh để viết.

Nên việc bạn có các hiểu biết cơ bản sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả hơn với các freelance writer đó.

Tạm kết phần 1

OK, mình xin tạm kết phần 1 này tại đây.

Sau phần này, bạn đã nắm được gần như tất cả những kiến thức nền tảng quan trọng nhất của việc chọn niche cho website Amazon.

Trong phần 2phần 3, mình sẽ bắt đầu đi sâu vào phần kỹ thuật để hướng dẫn bạn các bước cần làm tiếp theo.