Cách Check Mức Độ Cạnh Tranh Của Từ Khóa SEO Khi Làm Amazon Niche Site Với 100% Tool FREE

Cách Check Mức Độ Cạnh Tranh Của Từ Khóa SEO Khi Làm Amazon Niche Site Với 100% Tool FREE

Cách Check Mức Độ Cạnh Tranh Của Từ Khóa SEO Khi Làm Amazon Niche Site Với 100% Tool FREE

Xin chào,

Đây là phần 2 của series “Hướng dẫn chọn niche và lên list từ khóa cho site Amazon affiliate” của mình.

Mặc dù nằm trong series 3 phần đó, nhưng những gì mình share tại đây hoàn toàn áp dụng được khi bạn làm SEO cho các dự án khác.

Không nhất thiết là chỉ áp dụng cho Amazon niche site.

Bất kể là SEO trên Google.com hay Google.com.vn hay các phiên bản ngôn ngữ khác của Google.

Đây là phương pháp mình tự phát triển sau rất nhiều năm trong nghề.

Nên yên tâm là hàng độc ? bạn sẽ không tìm thấy cách làm này ở bất kỳ nơi nào khác đâu.

1) Các công cụ miễn phí bạn cần có

OK, trước khi bắt đầu, đây sẽ là các công cụ miễn phí bạn cần cài đặt để thực hiện các bước tiếp theo.

Lưu ý là bạn nên dùng Chrome để được hỗ trợ tốt nhất:

  1. Moz toolbar: https://chrome.google.com/webstore/detail/mozbar/eakacpaijcpapndcfffdgphdiccmpknp?hl=en
  2. Keywords everywhere: https://chrome.google.com/webstore/detail/keywords-everywhere-keywo/hbapdpeemoojbophdfndmlgdhppljgmp?hl=en
  3. Browsec VPN: https://chrome.google.com/webstore/detail/browsec-vpn-free-and-unli/omghfjlpggmjjaagoclmmobgdodcjboh

Mozbar sẽ được dùng để check sức mạnh của các trang nội dung trên top.

Keywords everywhere sẽ dùng để check nhanh lượng tìm kiếm hàng tháng của các từ khóa trên Google US.

Còn Browsec VPN sẽ dùng để lấy địa chỉ IP tại Mỹ nhằm “địa phương hóa” kết quả tìm kiếm một cách chính xác.

Mình sẽ không hướng dẫn cách cài các plugin trên cho Chrome nữa vì nó quá cơ bản rồi, bạn làm được mà ?

2) Vì sao bạn không nên quá lạm dụng các tool trả phí

Đến đây, bạn có thể có câu hỏi là “tại sao không dùng các tool trả phí cho nhanh?

Hay “các công cụ miễn phí cũng có cái check được cả mức độ cạnh tranh, tại sao không dùng?

Câu trả lời là mình đã dùng rất nhiều các tool dạng đó rồi và kết quả thường chỉ đúng với các từ khóa ngắn (head keyword).

Còn với các long tail keyword, thường các con số đó không phản ánh đúng sự thật.

Lý do là gì ư?

Đơn giản bởi phần lớn các công cụ đó đều dựa nhiều vào backlink và sức mạnh của các trang nội dung đang đứng top để tính điểm.

Và chính điều này sẽ gây ra sự hiểu lầm.

Bởi Google không chỉ dựa vào sức mạnh của trang nội dung để xếp hạng.

Nếu chỉ mạnh mà top được ngay thì trên trang 1 chắc lúc nào cũng chỉ toàn Wikipedia, Amazon, Facebook, Youtube… phải không?

Vì so về sức mạnh thì site nào ăn được các site đó nữa?

Do đó, sức mạnh (hay backlinks) chỉ là một phần.

Phần quan trọng hơn chính là yếu tố liên quan về nội dung (content relevancy) của trang nội dung đó với từ khóa mà người dùng tìm kiếm.

Và chỉ khi có cả yếu tố liên quan về nội dung + sức mạnh thì khi ấy một trang nội dung mới thật sự là đối thủ của bạn trên trang 1 của Google mà thôi.

Đây là một ý rất quan trọng mà bạn cần hiểu vì nó sẽ giúp bạn đánh giá được chính xác hơn mức độ cạnh tranh của từ khóa ở các bước tiếp theo.

Tất nhiên, mình không phủ nhận sự tiện lợi của các công cụ trả phí đó.

Chỉ là mình muốn bạn hiểu bản chất để có thể tự đánh giá đúng tình hình sau này mà thôi.

3) Thiết lập cài đặt cho các công cụ

OK, bạn cài xong các tool bên trên rồi chứ?

Ở đây, mình đang mặc định là bạn vẫn đang login vào tài khoản Gmail khi sử dụng Google nhé.

Tại sao lại mặc định vậy là vì phần lớn mọi người sử dụng Gmail và vẫn login khi tìm kiếm và lướt web.

Điều này sẽ khiến Google có các thông tin để “cá nhân hóa” kết quả tìm kiếm của bạn.

Và chính việc cá nhân hóa này khiến thứ hạng trên trang tìm kiếm bị sai lệch hoàn toàn.

Do đó, để tránh hiện tượng này bạn hãy làm theo các bước sau.

Đầu tiên, hãy vào địa chỉ google.com/ncr để truy cập phiên bản “gốc” của Google (ncr là ‘no country referral’).

Sau đó, nếu Google của bạn vẫn đang là tiếng Việt, hãy bấm nút English như hình bên dưới để chuyển sang tiếng Anh.

Tiếp theo, ở góc dưới cùng bên tay phải, bạn chọn “Settings” >>> “Search settings”

Trong trang nội dung tiếp theo, hãy chắc chắn rằng bạn đang để 10 kết quả trên trang 1 và tick chọn ô “Do not use private results”.

Tiếp theo, hãy click chuột phải vào link “Search history” và chọn “Open link in new tab”.

Khi tab mới được mở, bạn hãy bấm vào hình chiếc bút để chỉnh sửa tùy chọn

Sau đó, hãy tắt nút “Web & App Activity” đi.

Sau khi tắt nút, hãy đóng tab này và quay lại tab Search settings vẫn đang mở từ trước.

Trong phần “Region settings”, hãy bấm “Show more” và chọn ô “United States”.

Sau đó, hãy bấm “Save”.

OK, như vậy là bạn đã cài đặt xong Google để không hiển thị các kết quả “gợi ý” của Google khi tìm kiếm nữa rồi.

Còn tiếp theo, hãy cài đặt nốt cho plugin Browsec VPN để lấy địa chỉ IP của Mỹ mỗi khi check thứ hạng trên Google.

Nếu bạn đang SEO cho các dự án tại Việt Nam, hãy bỏ qua bước này + bước chọn United States bên trên + giữ nguyên ngôn ngữ tiếng Việt ban đầu nhé.

Sau khi cài plugin, hãy bấm chọn nút hình quả địa cầu >>> chọn Smart settings >>> Edit smart settings

Tiếp theo, bạn hãy điền google.com vào ô số 1, sau đó chọn United States trong ô số 2, và cuối cùng là bấm nút dấu cộng màu xanh để hoàn tất.

Xin chúc mừng!

Giờ đây mỗi khi truy cập google.com và tìm kiếm bất cứ gì, kết quả trả lại cho bạn sẽ là kết quả “sạch” (không chịu tác động của việc bị Google cá nhân hóa), và là kết quả như khi tìm kiếm ở Mỹ.

Bạn có thể thử và kéo xuống dưới cùng của trang 1 để biết Google đang lấy IP từ Mỹ như hình bên dưới.

Như vậy là phần cài đặt kỹ thuật đã xong.

Tiếp theo là một khái niệm quan trọng bạn cần nắm vững nếu muốn thành công với mô hình Amazon niche site.

4) Các dạng từ khóa phổ biến cho website Amazon affiliate

Có một sự thật bạn cần hiểu.

Đó là Google thường ưu tiên xếp top một số dạng website nhất định cho một số dạng từ khóa nhất định.

Ví dụ, các từ khóa mang tính thương mại, mua bán sản phẩm sẽ thường có các website thương mại điện tử đứng trên top.

Ví dụ: “cheap Nike shoes for men”, hay “flat shoes for women”, hay “LCD TV sales off”

Lý do là bởi Google hiểu mục đích tìm kiếm của người dùng là muốn mua sản phẩm khi tìm các từ khóa đó.

Vậy còn với các website Amazon affiliate thì sao?

Dạng từ khóa nào sẽ dành cho website dạng này?

Thông thường với site Amazon affiliate của bạn, đây là các dạng từ khóa phổ biến nhất mà Google sẽ ưu tiên xếp top:

  • Từ khóa “best” và “best X for Y”  –   ví dụ “best mountain bikes” hoặc “best gaming laptops for students”. Theo kinh nghiệm của mình, thì dạng từ khóa này thường mang lại nhiều click và doanh thu nhất cho website. Nhưng nó cũng gần như là dạng từ khóa affiliate cạnh tranh nhất (đặc biệt là từ khóa “best” ).
  • Từ khóa “review” sản phẩm   –   ví dụ “Makita XFD10R review” hoặc “Dewalt hammer drill review”. Đây là dạng bài viết review hay đánh giá về một sản phẩm / dòng sản phẩm / thương hiệu nào đó. Các từ khóa dạng này thường ít cạnh tranh hơn từ khóa “best”, dễ lên top hơn, nhưng cũng thường mang lại ít click và doanh thu hơn.
  • Từ khóa so sánh dạng “vs”   –   ví dụ “Dewalt DCD771c2 vs BOSCH DDb181-02”. Đây là dạng từ khóa so sánh sản phẩm. Người dùng muốn biết giữa các sự lựa chọn mà họ có thì cái nào tốt hơn. Và Google thường ưu tiên các site affiliate được rank top cho dạng từ khóa này.
  • Từ khóa dạng “info” chung chung   –   ví dụ “how to hold a drill steady”. Đây là dạng từ khóa tìm kiếm thông tin. Mục đích của người dùng chưa hẳn là muốn mua gì đó mà chỉ là muốn trả lời cho câu hỏi mà họ đang có. Website Amazon của bạn cũng nên có các bài nội dung này để nhìn “cân đối” hơn trong mắt Google. Và các nội dung dạng này thường cũng mang lại nhiều traffic từ long tail keyword, rất thích hợp cài Adsense để kiếm thêm thu nhập.

Ngoài ra có thể còn một số dạng từ khóa khác.

Nhưng 4 dạng từ khóa trên là quá đủ để bạn có thể phát triển được một website affiliate toàn diện rồi!

Tuy nhiên, việc có được từ khóa là một phần.

Bạn còn cần biết cách check xem từ khóa đó có dễ lên top hay không.

Nếu niche bạn chọn có nhiều từ khóa dễ lên top thì xin chúc mừng, bạn đang có trong tay 1 niche rất tiềm năng đấy!

Và bạn sẽ biết cách check độ khó từ khóa trong phần tiếp theo đây.

5) Cách check mức độ cạnh tranh từ khóa

Bạn hãy truy cập link này: https://moz.com/login sau đó chọn Register để đăng ký một tài khoản free mới với Moz.

Nếu bạn đã có sẵn tài khoản, hãy login vào luôn.

Sau khi đăng ký xong, hãy bấm nút M trên thanh toolbar của Chrome để bật Mozbar lên như sau.

Khi bạn bấm để nút M hiện sáng như trên, thanh Mozbar sẽ xuất hiện với 2 chỉ số chính là PA và DA như mình khoanh đỏ trong hình.

PA là viết tắt của Page Authority (sức mạnh của một trang nội dung nói riêng) – trong trường hợp này là của trang chủ https://vnexpress.net/

DA là viết tắt của Domain Authority (sức mạnh của toàn bộ website nói chung) – trong trường hợp này là của toàn bộ domain vnexpress.net

Vậy 2 chỉ số này có ý nghĩa gì?

Bạn có thể hiểu đơn giản như sau:

Nếu PA và DA càng cao thì trang nội dung đó càng dễ lên top cho các từ khóa liên quan đến nội dung của nó.

Ý chính ở đây là “các từ khóa liên quan đến nội dung”.

Tức là nếu bạn muốn SEO lên top cho từ khóa XYZ chẳng hạn.

Nhưng bài viết của bạn lại chẳng liên quan gì đến từ khóa đó (không tối ưu Onpage SEO cho từ khóa) thì bất kể chỉ số DA và PA của bạn cao đến đâu, Google cũng không bao giờ xếp bạn trên trang 1!

OK, tiếp theo, hãy truy cập google.com và gõ từ khóa bạn muốn check vào để tìm kiếm.

Để ví dụ cho bạn hiểu, mình sẽ check thử từ khóa này: “best led lights for garage workshop”

Hãy để ý các phần mình đánh dấu đỏ.

Đó chính là những tiêu chí chính mà Google dựa vào để xếp hạng các kết quả trên trang 1.

Và khi đánh giá các tiêu chí đó, bạn sẽ biết được một từ khóa cạnh tranh cao hay thấp.

Thông thường, một từ khóa có mức độ cạnh tranh thấp nên thỏa mãn càng nhiều các điều kiện sau càng tốt:

1- Có ít nhất một kết quả có DA < 30 (càng nhiều càng tốt) và cùng loại với website bạn đang muốn SEO lên top

Có nghĩa là nếu bạn đang muốn SEO website Amazon affiliate của bạn lên top, thì việc nhìn thấy những site tương tự có chỉ số yếu đang đứng top là một tín hiệu đáng mừng!

Đơn giản bởi nếu các site đó lên được thì bạn cũng lên được.

Và theo kinh nghiệm của mình, đây là tiêu chí quan trọng nhất và cũng dễ đánh giá nhất!

Vậy làm sao để nhận biết được các site đó là site affiliate giống mình?

Đơn giản thôi, bạn có thể click vào xem trực tiếp.

Hoặc chỉ cần thấy các kết quả đó có DA thấp, tiêu đề hay chứa các từ khóa “best”, “review” thì 99% site đó là site Amazon affiliate giống bạn.

2- Tiêu đề, đường dẫn URL, nội dung của các kết quả không được tối ưu cho từ khóa

Theo bạn việc đầu tiên để SEO một bài viết lên top cho từ khóa bạn chọn là gì?

Đó là “nhét” từ khóa đó vào tiêu đề, đường dẫn, H1, H2, phần đầu và cuối của nội dung… phải không?

Đó là các yếu tố Onpage SEO cơ bản mà bất kỳ người làm SEO nào cũng phải nắm được.

Vậy, nếu khi check từ khóa mà bạn thấy có các trang nội dung KHÔNG được tối ưu 100% cho từ khóa mà bạn check thì sao?

Thì điều đó có nghĩa là các kết quả đó không chủ đích SEO cho từ khóa mà bạn chọn!

Vậy một khi đã không chủ đích SEO mà Google vẫn “phải” đặt bài viết đó trên top nghĩa là sao?

Nghĩa là Google đang rất thiếu nội dung đáp ứng đúng và đủ nhu cầu tìm kiếm của người dùng cho từ khóa đó!

Và nếu bạn có thể viết được một bài viết thỏa mãn tốt hơn nhu cầu đó, Google sẽ ưu tiên xếp bạn lên top.

Ngay cả khi nếu xét về chỉ số DA và PA bạn không mạnh bằng các kết quả kia.

3- Có phần lớn các kết quả trên top không đúng “loại” với từ khóa

Bạn vẫn nhớ ở phần trên mình có nói Google thường ưu tiên xếp top các site affiliate cho từ khóa dạng “best”, “review”, “vs”… chứ?

Vậy nếu khi check thử từ khóa mà bạn lại thấy toàn site thương mại điện tử (ecommerce) hoặc thư mục chung chung (business directory) trên trang 1 thì sao?

Thì điều đó cũng có nghĩa là Google đang thiếu trầm trọng các nội dung đáp ứng đúng nhu cầu của người dùng!

Ở đây chính là các site dạng affiliate, nơi người dùng có thể tham khảo thêm các ý kiến trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Vậy nên nếu site affiliate của bạn có được một bài viết có thể thỏa mãn tốt hơn nhu cầu của người dùng, Google chắc chắn sẽ ưu tiên xếp bạn trên top.

4- Có các trang nội dung “yếu” xuất hiện

Các trang nội dung dạng này chủ yếu bao gồm:

  • Các topic từ các forum, sub reddit…
  • Các trang hỏi đáp như Quora, Yahoo answers…
  • Các bài viết từ các trang mạng xã hội như Facebook post, Pinterest pin…

“Yếu” ở đây mình không có ý nói về chỉ số PA hay DA.

Vì nếu so về DA thì các site đó thường rất khủng.

Yếu ở đây là ý nói gần như không có ai đi SEO cho một bài hỏi đáp trên Yahoo answers, hay một topic vu vơ nào đó trên forum.

Tất cả các dạng nội dung đó xuất hiện trên top đơn giản bởi Google thấy nội dung của chúng liên quan đến mục đích tìm kiếm mà thôi.

Ví dụ như với từ khóa “best led bulbs for pool table light” ở trên, bạn có thể thấy đứng ở vị trí #6 là một topic từ forum azbillards.com

Topic này thậm chí còn không đề cập chính xác đến nội dung của từ khóa là bóng đèn LED tốt nhất cho bàn bi-a.

Nó chỉ hỏi chung chung là cần dùng bóng bao nhiêu Watts cho bàn bi-a mà thôi.

>>> Dạng website yếu + nội dung không tối ưu = khả năng rất cao là từ khóa dễ.

5- Phần lớn các kết quả trên trang 1 có ít hơn 5 backlinks

Thật ra mình rất ít khi để ý đến tiêu chí này.

Một phần bởi database về link của Moz rất hạn chế.

Phần nữa là khi check, bạn nên để ý hơn đến các yếu tố liên quan về nội dung bên trên hơn.

Vì nếu chỉ cần đạt được tối thiểu tiêu chí đầu tiên thôi là từ khóa đã gần như rất OK để chọn rồi.

Còn nếu đạt được cả 5 tiêu chí thì quá tốt ?

6) Vậy từ khóa như thế nào thì nên chọn?

Khi check từ khóa và chọn niche, thường nếu từ khóa đáp ứng được ngay lập tức tiêu chí #1 ở phần trước thì mình sẽ chọn ngay và đánh dấu đó là một từ khóa dễ.

Còn nếu không đáp ứng được tiêu chí #1, mình sẽ xét đến các tiêu chí #2, #3, #4, #5 với mức độ quan trọng giảm dần.

Và nếu từ khóa đó đáp ứng được ít nhất 3/4 tiêu chí còn lại đó, mình sẽ đánh dấu “dễ” tiếp.

Còn lại, nếu từ khóa chỉ đạt 2/4 hoặc 1/4 tiêu chí, mình sẽ đánh dấu là “trung bình”.

Còn nếu không đạt bất kỳ tiêu chí nào, mình sẽ đánh dấu là “khó” hoặc thậm chí bỏ qua luôn.

Và với 1 file excel đơn giản, bạn có thể mã màu giống mình như sau:

Ví dụ trong file này, các từ khóa mình đánh dấu “xanh” là dễ, “vàng” là trung bình, còn “đỏ” là khó.

7) Tạm kết

Phương pháp mình vừa hướng dẫn bạn có thể không nhanh bằng dùng tool tự động.

Tuy nhiên, nó sẽ giúp bạn thật sự nhìn ra được một từ khóa có cạnh tranh về SEO hay không.

Đặc biệt là khi check các từ khóa long tail keyword vốn là dạng từ khóa chính bạn có thể dễ dàng lên top.

Bởi nếu chỉ dựa vào các con số của tool, bạn sẽ bỏ qua RẤT NHIỀU các từ khóa long tail cạnh tranh thấp mà đang bị tool “báo động giả” thành cạnh tranh cao.

Cảm ơn bạn đã đọc bài và hẹn gặp lại bạn trong phần tiếp theo của series này nhé

Nguồn: Duy Nguyễn blog

Trao đổi bạn đọc:

Đạt: Sao dạo này mấy tools free như Moz và Ubersuggest bắt trả phí rồi anh ạ. E xài đc đúng 3 bữa là thấy mozbar nó giới hạn ko cho check pa và da khi search và uber thì giới hạn kết check độ khó sau 10 – 15 keyword ạ. Ko biết do tài khoản e đăng kí là tk google có vấn đề hay do bên tools nó chặn và bắt trả phí ạ. E xin cảm ơn ạ!

Duy Nguyễn: Chào Đạt, hiện tại thì Mozbar anh vẫn check bình thường. Còn đúng là Ubersuggest và Keywords Everywhere gần đây đã chuyển thành bản trả phí. Tuy nhiên mức phí cũng không quá cao. Ví dụ Keywords everywhere em mua 1 lần hêt $10 là được 100,000 lượt check search volume, dùng phải rất lâu mới hết. Còn Ubersuggest thì hiện tại đang là $10/tháng và các tính năng cũng rất hay (tương tự ahrefs nhưng giá rẻ hơn rất nhiều). Vì làm niche site cũng là một dạng đầu tư nên những khoản phí phát sinh nhỏ này anh nghĩ không nên là vấn đề ? Chưa kể em có thể chỉ cần mua 1 tháng và làm hết các việc cần làm xong cancel subscription là OK.